Thứ Tư, 5 tháng 11, 2008

với Cao Thoại Châu

Trên blog của nhà thơ Cao Thoại Châu có mục Tác Giả & Người Đọc.
Anh bất ngờ chọn HL để giới thiệu đầu tiên.
Tôi copy cuộc đồi thoại này từ blog anh về đây.
Như một kỷ niệm duy nhất với nhà thơ Cao Thoại Châu - xin cảm ơn anh.

HOÀNG LỘC


Thời gian đăng thơ của chúng tôi coi như khá dài, nhưng do… không hiểu vì sao mà chúng tôi không gặp nhau ngoài đời, phải vì tôi nghĩ người thường “gai góc”, thơ là “tinh hoa” cho nên gần Justify Fullnửa thế kỷ sau từ “biết” mới trở thành “quen”? Hòang Lộc làm thơ tình có những bài thành “kinh điển” và về hoài niệm quê nhà - một người đáng trọng khi viết về quê hương. Định cư ở hải ngoại là “vấn đề của lịch sử”, nhớ, thương, nâng niu và có ý sẽ về sống tại quê nhà là cái đáng yêu nữa của Hoàng Lộc.
Chính vì thế, anh là người được mời khai trương mục “TÁC GIẢ & NGƯỜI ĐỌC" - một cách chọn trong chỉ một phút của tôi này!

CAO THOẠI CHÂU


* CTC: Khoảng năm 1995, một tờ báo ở Sài gòn có đăng hai bài thơ của anh và tôi - ngẫu nhiên hai bài đều nói về quê nhà. Người biên tập giới thiệu đó là bài thơ đầu tiên anh làm trên đất Mỹ, nó có thể là câu trả lời đầu tiên của anh cho cuộc chuyện trò này?

* HL: Chào anh Cao Thoại Châu.
Tờ báo đó được một người học trò cũ chuyển qua cho tôi – và bởi nhiều lần thay đổi chỗ ở nơi này – tôi đã làm thất lạc! Trong trí nhớ, còn thấy mình cùng một trang thơ – bài thơ anh đi trước bên tay trái và bên phải trang báo là bài của tôi. Tôi còn cảm giác rất vui khi anh em mình – sau bao nhiêu thăng trầm, lại có thơ đăng chung một tờ báo – mà tờ báo lại vẫn là ở Sài Gòn, quê hương của thơ thế hệ anh và tôi.

* CTC: Bắt đầu từ tờ Bách Khoa những năm 60, tôi biết đến anh như một nhà thơ “chuyên trị” thơ tình, nay đọc thêm mới hay đó là những bài… thất tình. Bản lĩnh tới đâu mà thơ ấy vẫn chân thật, dịu dàng và dung dị để còn… gầy một cuộc tình khác? Một bài thơ thất tình nào ngăn ngắn nhưng rất Hoàng Lộc?

* HL: Ôi anh, thơ thất tình cũng là thơ tình vậy? Bản lĩnh? Ý anh muốn nói bản lĩnh về… chữ nghĩa hay về… sự dung, tĩnh tại, về một cách buồn mà không đổ gục? Có thể lý giải cho vui như thế này: Tán tỉnh dở quá nên phải thất tình – và nhờ thất tình nặng quá nên mới có xúc động đầy và thật cho thơ. Từ đó mới có thơ chân thành và dung dị, như anh khen.
Hồi tôi mới nằm trong trại hơn một tháng, cô nàng trong thơ tôi đi lấy chồng. Lấy nhanh và sớm quá (mới gần 20 tuổi). Tôi có bài thơ bốn câu, bị một nhà văn nữ bên này chê tôi… “hỗn hào với …người yêu”:


mồ tổ nhà em loài bất nghĩa
một năm hai tháng – đã quên rồi
ta như con chó không buồn sủa
chỉ gầm gừ ngó cuộc tình trôi


* CTC: Té ra nhà thơ cũng có lúc cáu kỉnh? Một bài báo ở VN viết về Hoàng Lộc có trích câu “xa xôi vậy mà răng gần gũi, tôi sờ tay lên màn hình như chạm tới quê nhà”. Rất thơ đấy hơn là một câu nói và “quê nhà” có đúng là một trong hai chủ đề thơ Hoàng Lộc? Quê nhà nặng bao nhiêu so với… trọng lượng cơ thể của anh?


* HL: Thật ra câu đó là cách diễn đạt riêng của Đặng Ngọc Khoa, một nhà báo khi phỏng vấn tôi. Nhưng đúng Quê Nhà là một chủ đề lớn của thơ tôi. Có thể nói không có Quê Nhà, không có thơ HL ở xứ này.
Tôi tâm đắc với anh khi anh nói: làm sao có cái gọi là quê hương thứ hai cho một người! Tôi xa xứ khi ở tuổi tri thiên mệnh mà – và với những người như anh, như tôi – làm sao dễ hội nhập, dễ bị … đồng hoá được?
Khi lìa quê, chỉ nặng có 47 ký, nay tôi 60. Tôi thuộc loại trọng lượng cơ thể tỉ lệ thuận với sức nặng Quê Nhà. Và cũng lắm người thì tỷ lệ nghịch! Anh ơi, cha mẹ, bà con, bằng hữu, người tình, đất và … kỷ niệm… sao không nặng chứ - phải không anh ?

* CTC: “Là lúc hồn ta ngồi với rượu / Khi không uống trúng nỗi niềm riêng / Ước thề thả thử lên đầu gió / Hất cái buồn kia qua một bên”. Có phải đó là nỗi niềm riêng như anh viết “ Và có lẽ ở xứ người lâu năm - tôi cũng như nhiều bạn văn cùng thế hệ - hình như dần dần không còn đề tài để viết…” vì quê nhà thì xa lắc xa lơ, tình cũ cũng “cổ” dần?

* HL: Niềm riêng là của chữ tình và nỗi cô độc.
Có lần tôi phát biểu rất thành thật: nơi tôi định cư (Memphis tiểu bang Tennessee) quá ít đồng hương - lại không người biết đọc thơ nên tôi cô độc. Thế mà tôi bị qui chụp: HL nói ở hải ngoại không ai biết đọc thơ…
Cái qui chụp ấy lại đẩy thêm tôi vào một… niềm riêng khác và cô độc hơn nữa.
Đúng là với một số bạn văn cùng lớp tuổi tôi càng ngày càng giảm sức sáng tác! Lớp trẻ hơn ở thế hệ hai ba sau chúng tôi thì có nhiều tên tuổi nổi hơn. Họ có cái học khác, hấp thụ văn hoá khác chúng tôi và cách viết của họ cũng khác đi.
Quê nhà, ở quê nhà - chắc viết dễ hơn. Như anh, tôi thấy còn sung sức quá. Mơ ước cuối đời tôi là qui cố hương. Nhưng lúc ấy – bút lực còn chừng bao! Cứ nghĩ viết ngắn lại – như thầy Yến Lan về già, cũng không dễ?

* CTC: Không hoàn toàn chia sẻ với anh về cái sự vơi đi của "bút lực". Và cũng không hoàn toàn nhất trí cao với anh khi anh nghĩ về Nguyễn Du “Cầm trái tim cô Kiều lưu lạc/ Ông quỳ xin tội với vua Lê”. Thế hệ chúng ta dâu bể quá chừng, có nên để một người tài hoa như Nguyễn Du làm thế?

* HL: Anh ơi, khi viết bài thơ ngắn ấy – tôi không dám đụng đến cái tuyệt thế tài hoa của cụ Nguyễn. Chỉ là vì qua bao nhiêu dâu bể như anh nói và nhìn bao nhiêu cảnh đời của bằng hữu và người chung quanh - bỗng dưng tôi nghĩ đến một thái độ ngu trung. Tôi từng ứa lệ trước cái chết của Bá Di Thúc Tề, khi cả hai chối từ một sự đổi đời, cho dù đời đổi cho các ông một thánh quân như Châu Võ Vương.

Tôi kính mộ cái chọn lựa tình cảm đầu tiên trong đời một người – và sự nhất quán tôn thờ của người ấy với sự chọn lựa ấy. Cho nên tôi coi thường những ai, trong tình yêu mà tấm lòng bị chia năm xẻ bảy ra…
Mong anh và độc giả hiểu khác hơn một tí về hai hình ảnh vua Lê và cụ Nguyễn trong bài thơ.

* CTC: Ngoài vụ hình anh bị ghép vào bài viết về một nhà thơ trùng bút danh đã chết, hơn mười năm trước còn có tác giả viết về một nhà thơ trọng tuổi, đã công bố một bài thơ nói là của người trọng tuổi sáng tác, chép tay và đưa cho anh ta. Liền đó một tờ báo ở Sài Gòn công bố bài đó là của Hoàng Lộc đăng trên Bách Khoa đã lâu. Sao anh hay bị vướng vào những vụ bùng nhùng ấy vậy?

* HL: Vụ có người đăng bài thơ của Hoàng Lộc đã chết kèm hình của HL, là tôi đây, đang sống - coi như đã xong. Đây là lỗi, có người cho là của… ông cụ tôi – khi đặt tên cho tôi lại không… tham khảo danh sách những “nhà” thơ lớn của đất nước để tránh sự trùng lặp thất kính!
Còn vụ bài thơ tôi đã đăng trên Bách Khoa trước 1975 – và được in lại trên một tờ báo chuyên văn học với bút danh của một người khác năm 1991 cũng coi như xong. Người lấy nguyên bài thơ ấy - chỉ sửa lại vài ba chữ, đã yên nghỉ - và chỉ được chính bè bạn ông tung bài thơ lên báo.
Vụ này xảy ra trong thời điểm ấy tôi không nói gì được với ai. Tôi nhớ chỉ Hà Nguyên Dũng, bạn của tôi ,có phản ứng trước nhất, viết thư la ó ngay với tờ báo trên. Nhà báo Phan Kim Thịnh lục tìm tờ Bách Khoa cũ có bài thơ của tôi. Nhà thơ Triệu Từ Truyền đi một bài nhẹ nhàng trên tờ Bông Trang và tờ An Giang Chủ Nhật cũng có bài đặt câu hỏi.

Tôi nhận được thư của vài ba ông ở toà soạn tờ báo ấy phân trần – và nhắn báo với tôi rằng người quá cố còn một cậu con trai gần đến tuổi hiểu biết, xin tôi đừng lên tiếng gì nữa, có thể làm hỏng hình tượng người bố trong lòng cậu bé. Nghĩ cũng đúng nên đã cho qua… Qua bên này, anh Lê Cần Thơ cũng có nhắc lại vụ ấy ở Houston – nhưng tôi vẫn im lặng.
Thơ HL có duyên với những người… tập làm thơ. Theo tôi biết thì đến nay có chừng năm ba người đã lấy thơ tôi, “bê” tứ thơ của tôi vào thơ họ và dĩ nhiên ký tên họ luôn. Điều này làm tôi vui – nhưng bè bạn thì bảo tôi nên… có thái độ.
Anh nghĩ coi – ví dụ tôi có bài thơ với bốn câu mở đầu thế này :

rượu vào ta nói lãng
mùa thu ra mùa đông
rượu vào ta nói sảng
như khi em lấy chồng


Một tay làm thơ trẻ ở Quảng, cũng có 3 câu đầu… của tôi, chỉ khác câu cuối thôi. Chính câu cuối làm hỏng đi cả khổ thơ và nhân cách của gã làm thơ là đi phỉ báng người tình cũ! Anh nghe giùm:

rượu vào ta nói lãng
mùa thu ra mùa đông
rượu vào ta nói sảng
rằng em lấy mấy chồng

Tôi nói sảng trong thơ, còn tay này nói “sảng” cả trong đời. Tôi vui mà không tránh được sự… bực tức.
Và còn nhiều lắm những kiểu gọi là… ảnh hưởng thơ HL như thế.
Tôi có bài thơ Mặc Cho Đời Bụi Phủ - nên một bạn thân chọc tôi: Đời còn không cần lo bụi phủ thì sá chi mấy bài thơ, mấy tứ thơ ấy!

Nhận mail lúc 6giờ VN, vậy: chào Hoàng Lộc buổi sáng! Và chúc… một đêm ngon giấc! Bên ấy có nhờ tiếng gà lên chuồng và báo thức? Cám ơn một tâm hồn dễ yêu. CTC

3-11-2008

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin chào bạn đã đến với Trang Thơ Tình Hoàng Lộc