Thứ Hai, 29 tháng 8, 2016

NHƯ KHÔNG đọc thơ HOÀNG LỘC



NHƯ KHÔNG
ĐỌC THƠ HOÀNG LỘC

 
 
Xem một vở kịch hay, người xem thường trải qua những trạng thái cảm xúc khác nhau.Vừa chợt phá lên cười không kìm được bởi những tình huống hài hước lòng đã chùng xuống, bùi ngùi vì một câu nói đôi khi đơn giản nhưng “thấm“ tận đáy lòng.

…Đọc thơ Hoàng Lộc cũng vậy. Những cung bậc khác nhau làm chưa kịp vui cùng anh đã thấy …thương anh quá đỗi, đâu đó trong lòng như bắt gặp chính hình ảnh của mình, cũng cô đơn, cũng tuyệt vọng như lời thơ của anh. Chưa nói về cách gieo vần của một tài nghệ bậc thầy trong thơ anh - kỹ thuật dường chỉ đóng vai phụ trong thơ của Hoàng - mà chính những cảm xúc chân thực đến không thể chân thực hơn nữa trong những bài thơ của anh mới làm cho người đọc bàng hoàng. Đọc xong một bài thơ nào đó của anh lòng cứ nghe đọng lại một điều gì mênh mông xa vắng, một cảm giác day dứt mơ hồ không diễn tả được. Chữ dùng trong thơ Hoàng - như nhạc sĩ Văn Cao nói về Trịnh Công Sơn - dễ dàng như anh “ thò tay vào túi lấy ra “

“ Ta có tuổi rồi hết nước mắt
Chỉ trong lòng một nỗi đầm đìa “…

Cái nỗi “đầm đìa“ của anh theo anh suốt đời,làm khổ anh suốt đời:

“ Du tử già đầu bỗng nhớ mẹ
Con đường về mù mù trăng soi …”

Cách gieo vần của một nhà thơ bậc thầy ! Anh chẳng hề đao to búa lớn gì. Anh chỉ nói về cảm xúc của anh, một người tha hương tuổi tác xế chiều, gã du tử trên xứ người một chiều nhớ Mẹ. Mà con đường về nơi có người Mẹ già và quê hương yêu dấu của anh còn chênh chếch một bóng trăng soi mờ mịt.

“ Ta khó lòng quay về chốn cũ
Ta không chừng chết ở quê người? “

Câu thơ thảm thiết của một kẻ lưu vong nơi xứ lạ. Tôi chắc chắn rằng có rất nhiều, rất nhiều những người Việt xa xứ đều có chung câu hỏi như anh về cái ngày “tử quy“ mỗi lúc một gần.

Thơ Hoàng không cao đạo. Cũng không cố ý làm ra vẻ cao đạo, khó hiểu, “triết lý“ mà chính người viết đôi khi cũng chắng biết mình nói cái gì (!) Những nổi trôi của cuộc đời anh trải nghiệm đã nhiều:

“Ta biết sống đời như cõi tạm
Thứ chi còn mất đã vô thường
Đứng mũi chịu sào rồi cũng vậy
Cũng nổi chìm mưa những bến sông“

Một bến sông xa xôi như sông Hoài ở Hội An mù mịt dưới cơn mưa dầm dề miền Trung những ngày xa xứ. Nhìn mưa rơi anh cảm khái cho nỗi lưu lạc của mình, của những thăng trầm trong một kiếp người:

“Có ta gồng gánh tình đơn chiếc
Vừa đủ lầm than một kiếp người..”
( Vì ta đơn chiếc- Thơ H.L.)

Câu cuối chùng xuống như một nỗi kiệt sức sau rất nhiều những vật vã với đời. Quê hương mù mịt. Bạn bè ly tán, kẻ mất người còn. Người xưa cũng thăm thẳm ở những đâu đâu. Lủi thủi vào ra tự rót cho mình chén rượu,nhưng:

“ Tưởng vậy mà không làm được vậy
Đôi ba chén nhỏ đã cay lòng…”
( Khi phải rời xa- Thơ H.L.)

Câu thơ thần sầu ! Anh uống rượu mà rưng rưng lòng. Đời sẽ còn bao nhiêu nữa những lần rưng rưng như thế ?

Hoàng đau cũng tận cùng đau. Mà ngây thơ, thần thánh người anh yêu thương cũng tận cùng thần thánh:

“…Chẳng ai tắm hai lần trên cùng một dòng sông …”
Thằng làm Triết phương Tây nghe chừng có lý
Một phút một giây đổi đời như thế
Huống hồ gì ta ở tù ba năm !

Đời ngoài kia cũng chảy xiết như sông
Có lở có bồi dĩ nhiên là đúng
Nhưng cái lở đã làm ta đắng họng
Khi được tin mừng: Em biết sinh con ! “
( Được tin em sinh con –Thơ H.L.)

Ôi chao tội nghiệp cho nhà thơ ! Hồi nảo hồi nào tới giờ anh vẫn nghĩ rằng người anh yêu chỉ biết có mỗi một việc là yêu anh thôi đấy. Thế mà khi anh tù tội ra thương hải đã hóa tang điền. Cô ấy cũng biết…sinh con một cách cẩn thận như bao nhiêu người đàn bà tầm thường khác. Thế mới chết ! Vị Bồ Tát “ cứu khổ cứu nạn “ trong đời anh thình lình bỗng hóa thân thành một “ chúng sinh “ cực kỳ trần tục:

“ Bồ Tát là em mà cũng vào bệnh viện
Cũng ngủ khì trên chiếc giường hộ sinh “
( Được tin em sinh con )

Anh chưng hửng với bao nhiêu hoa hồng hoa lan các loại các thứ mà anh từng thành kính và trang trọng choàng vào cổ vị Bồ Tát của mình. Chắc anh còn giấu với chúng ta một điều cho đỡ…quê :Chắc anh chẳng thể vào thăm “người ấy“ được vì người ấy…sinh con cho người khác.

Cái sự ấm ức của anh dai dẳng lắm.Cái sự ấm ức dễ thương vì vòi vọi trong tình yêu anh dành cho “người ấy“, lúc nào người ấy cũng ngồi trên ngai cửu ngũ. Tôi không nhớ nổi câu thơ này của ai nhưng hệt như tậm trạng của anh:

“ Một sợi tóc cũng làm nên mê hoặc “

Hoàng Lộc cũng y như vậy. Vị Bồ Tát xa vời của lòng anh hiện hình trong thơ anh rất “lẫy lừng“:

“Mười ngón tay em,trong thơ ta, là mười ngón bút
Viết du dương trên những phím dương cầm
Ôi ông nhà em nhìn tay em trong xó bếp
Một đời chừng chưa hiểu một phu nhân “
( Để hỏi một phu nhân-Thơ H.L. )

Anh giận anh. Anh giận đời. Nhưng giận người ấy thì chắc anh …không dám. Vì dưới mắt anh, câu thơ tuyệt vời hình tượng về người anh yêu vẫn mượt mà, vẫn đắm đuối như thuở nào, những ngón tháp bút du dương trên những phím dương cầm nuột nà trong lòng anh.Thôi thì anh trút nỗi ấm ức của mình vào “ thằng “ khác vậy. Rất hợp lý. Rất đáng. Anh nói với anh mà cũng trải nỗi lòng của mình cho vị phu nhân mà nay đã không còn là của anh nữa:

“Cho dù em là phu nhân của đứa nào đi nữa
Nói với em - ta gọi hắn: Ông nhà
Chính là cái thằng làm cho em hoa tàn nhụy rữa
Cũng là thằng ta suốt kiếp không ưa“

Tôi về phe với anh. Ưa gì nổi mà “ ưa “ ? Trong đời một gã đàn ông mấy người không trải qua như thế ?

“ Em ở nhà người,sinh con cho người
Cha của các con gọi em là nương tử
Tôi từng qua vườn xưa,đứng lại
Ấm ức trong lòng về thời yêu thương “
( Nương Tử-Thơ H.L.)

Ấm ức là từ rất chính xác để hiểu về một anh chàng chỉ dám đứng lại đâu đó trong vườn xưa chứ không thể - hoặc không dám - vào nhà. Danh không chính thì ngôn không thuận. Biết ăn nói làm sao đây khi “người cũ“ đã trở thành người của “người ta“ ? Trớ trêu nhưng cũng phải ráng làm cho anh vui.

Làm bộ cho anh vui thôi nhưng trong bụng cười thầm. Cười ra tiếng thì sợ anh giận. Nhưng chưa kịp cười thì lòng đã chùng xuống khi đọc những câu thơ khác của anh.Những cảm xúc trong lòng anh cứ cuồn cuộn những âm vực,những nốt rất cao nhưng cũng có những nốt rất trầm như một lời tự sự, như một nỗi thầm thì:

“ Quên được một người không phải dễ
Lòng đau có thể đến vô cùng
Yêu thêm một lần không phải dễ
Như thể vừa thay cả trái tim “

Dễ dầu gì mà quên nổi! Chết lên chết xuống chứ dễ gì! Nhưng để “quên“ được người xưa và thay vào đó bằng một hình bóng khác lại càng không dễ.

“Trái tim có lý lẽ của nó“ ( Pascal ) mà! Phải vật vã rất lâu. Phải hồn một nơi xác một nẻo. Phải trần ai khoai củ nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nhưng lãng đãng đâu đó vẫn ẩn hiện hình bóng yêu thương ngày cũ. Bởi nếu không như thế, những người làm thơ không như thế thì không thể có một Hoàng Lộc với những câu rất đau:

“ Mịt mù tung tích giai nhân
Anh tìm em giữa muôn trùng thời gian…”

…Tôi chợt nhớ khi còn trẻ có đọc một cuốn sách của một triết gia người Đức, cuốn “ Siêu hình về tình yêu và siêu hình về sự chết“ của tác giả Schopenhauer. Ông cho rằng sự tìm kiếm của người đàn ông cho người đàn bà của đời mình chẳng qua chỉ là bản năng thầm kín của hành trình kiếm tìm sự “truyền giống“ tối ưu cho mình. Bất luận đúng sai trong vấn đề này, tôi nghĩ rằng những người làm thơ nhất định phản đối quan điểm này dù nó có được chứng minh một cách hùng hồn bằng bao nhiêu chứng cứ khoa học lẫn triết học chăng nữa. Với H.L.,tình yêu là một điều gì đó rất thiêng liêng và rất lãng đãng. Anh yêu người và hình như là trên hết, anh yêu chính mối tình của mình. Anh đọc Khuất Nguyên, Andre Gide, Hermann Hess, Khổng Tử... nhưng vẫn loay hoay với những “vấn nạn“ về tình yêu trong lòng mình:

“Thật lãng du,anh đi từ buổi đó
Những bước u hoài
Nghe nguyệt cầm,ngọc lan
Nghi ngút hồn đông phủ trời tây
Đọc Khuất Nguyên,Andre Gide,Hermann Hess
Biết em không là ai !
( Con đường thơ anh-H.L.)

Thời trẻ tuổi hẳn anh cũng “tẩu hỏa nhập ma“ với biết bao nhiêu học thuyết, bao nhiêu là sách vở vào cái thời của chúng tôi ngày đó. Chúng tôi không xa lạ gì với Krisnamurti, với Khali Gibran, với Rabindranath Tagore, với Dostoievski, với Albert Camus hay Jean Paul Sartre, với những tác phẩm “chết người“ của Stefan Zweig hay của Stendhal v.v. Nhưng trong sâu thẳm H.L. anh vẫn rất Việt Nam, rất đằm thắm với chính anh và tình yêu của mình:

“ Có thể em là người rất cũ
Vẫn tuyệt vời những giấc mơ điên
Để ngậm ngùi trăng xưa thiếu phụ
Như những câu thơ đã thất truyền
…………………………………
Trời đất sẽ vô cùng tịch mịch
Nếu cứ hoài em,một chút trăng
( Ta rất vô cùng.Thơ H.L.)

Câu thơ cuối cứ bàng bạc trong lòng như một hoài niệm về một bóng trăng xưa của những người đã xa, những mối tình chưa hề cũ bao giờ. Cuộc sống và những biến cố trong đời xô đẩy Hoàng đi xa dẫu rằng anh không muốn như thế. Nhưng anh không thể chọn lựa dẫu quê hương mà nơi ấy có ngôi mộ của người mẹ thân yêu như một chiếc bóng lớn phủ lên cuộc đời anh:

“ Ta thật sự muốn đứng hoài một chỗ
Mà ông Trời cứ đẩy mãi ta đi
Và em cũng một đời mây núp gió
Tóc bay mây thổi suốt buổi anh về

Ngày Xuân cuối hết hoa-dù hoa ẩn nguyệt
Để nghìn trùng cơn gió nỗi niềm xưa
Mẹ già ta đã yên nằm trong đất
Quê nhà đây-sao vẫn nhớ quê nhà?

“Quê nhà đây“ không phải là quê nhà ngày cũ. Nơi quê nhà cởi truồng tắm mưa ngày thơ ấu, ngày khoanh tay sau đầu làm gối nằm ngửa mặt nhìn trời bềnh bồng mây bay, nhìn con diều tự tay mình làm lửng lơ trên trời chiều. Nơi đây, nơi tất bật hối hả của đời sống không hẳn là nơi anh muốn sống. Đời người, mấy ai muốn bỏ xứ ra đi ? Nhưng anh và các bạn anh,đồng bào của anh nơi đây không còn chọn lựa nào khác. Sự hoài niệm về “quê nhà xa lắc xa lơ đó – Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay“ (Thơ Nguyễn Bính) và sự ma sát giữa anh và thực tại làm lòng anh ứa máu. Nơi xứ lạ anh đã gặp lại ít nhiều bạn cũ. Những con người như anh, chung một hoàn cảnh, một tâm tư. Trong số đó cũng có kẻ trong những ngày tù tội đã phải thỏa hiệp với cái ác để toàn mạng và mong sớm trở về. Nhưng cũng có kẻ theo gió trở cờ vì miếng đỉnh chung.

“ Ta nghĩ đời ta như đã bỏ
Về đây nghĩ uổng cái tài hoa
Những phường mặt trắng kia xu nịnh
Thôi sá chi cần phải hiểu ta ?”
………………………………..
Về đây nghĩ hết tay hào sảng
Vỗ bụng trông trăng chếch cả cười
Ai có ngờ bên đời gió thổi
Hãy còn sót lại một nhà ngươi “
( Mặc cho đời bụi phủ-Thơ Hoàng Lộc viết tặng Hạ Quốc Huy )

…Những con người tài hoa đó, như Hoàng Lộc và các bạn trong giới văn chương của anh đang sống những ngày xa xứ. Dẫu bây giờ thế giới đã là một“ thế giới phẳng “ thì vẫn còn đó những chướng ngại và những hoài niệm theo họ suốt cả cuộc đời.

Hoàng Lộc đoạt Giải thưởng Văn Chương của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam năm 1969-1970. Thời mà những tên tuổi văn học đàn anh đã nổi như cồn. Anh đã có một chỗ đứng xứng đáng trong lòng những người yêu thơ trong số các tên tuổi lẫy lừng như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Hoài Khanh, Nguyễn Đình Toàn và các nhà thơ khác.Xa hơn chút nữa có Nguyên Sa, Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Bắc Sơn, các nhà thơ mặc áo cà sa như Tuệ Sỹ, Thích Nữ Trí Hải. Xin được mượn một vài câu thơ của anh để kết luận về anh:

“Nghe đồng hương tán tụng quá, ta tin
Rằng ở chốn địa linh,ta dễ chừng…nhân kiệt“
(Thơ buồn của người nói dóc)

Anh nên tin như vậy bởi Hội An là chốn địa linh. Bởi nếu trong thi ca, Hoàng Lộc không phải là “nhân kiệt“ thì là gì?

(Viết tặng nhà thơ Hoàng Lộc)

Tháng 8/2016.

NHƯ KHÔNG