Phỏng vấn

 TRÒ CHUYỆN VỚI NHÀ THƠ HOÀNG LỘC
“Tôi sẽ về lại quê...”

ĐẶNG NGỌC KHOA (thực hiện)

Đã lâu, nhà thơ Hoàng Lộc vẫn nhớ như in: sau 1975, Thanh Niên là tờ báo đầu tin “dám” in thơ anh, thi sĩ từng đoạt giải thưởng thi ca miền Nam 1970. Đó là bài “Bữa say ghé chùa Ông Hội An” ông viết năm 1987. Mới đây, về nước thọ tang cha, ông bộc lộ ý định sẽ hồi hương.
http://khoavietnam.vnweblogs.com/gallery/4380/previews-med/73860-2.jpg
*Ở xứ người, chắc anh thường nghĩ về quê nhà và anh em bằng hữu...
- Đúng là khi đi xa - điều tôi ray rứt nhất là quê nhà. Quê nhà trong tôi là cha mẹ - bà con - anh em bằng hữu và người tình của thơ tôi - cùng những địa danh đã là máu thịt của tôi: Hội An - Quảng Nam - Đà Nẵng... Những địa danh thân thương ấy đã sinh tôi ra - nâng đỡ lẫn đày đoạ tôi một thời - mà cuối cùng luôn réo gọi tôi về!

*Đời sống văn nghệ nơi anh định cư có lẽ thiếu vắng không khí Việt Nam?
- Nơi tôi đang định cư rất ít người Việt. Đời sống văn nghệ của tôi thật sự cô đơn vì nơi này không có ai biết đọc thơ. Người ta thường nghĩ cô đơn là nguồn mạch của sáng tạo. Với tôi, cô đơn là túng quẩn - là tự khô cạn. Điều này tôi chiêm nghiệm được khi có dịp về Cali hay Dallas, Houston, những nơi đông đúc đồng hương và bạn văn. Những dịp đó giúp tôi viết được đôi bài. Rồi thôi.
http://khoavietnam.vnweblogs.com/gallery/4380/previews-med/73859-3.jpg
Bạn văn với những gặp gỡ tình thân - như là chất xúc tác của thơ tôi. Và có lẽ ở xứ người lâu năm - tôi cũng như nhiều bạn văn cùng thế hệ - hình như dần dần không còn đề tài để viết, ngoài nỗi hoài hương và những... người tình cũ! Tôi có ý định sẽ in Thơ Tình Hoàng Lộc ở quê nhà. Tôi nghĩ tập thơ sẽ dầy 300 trang gồm gần 200 bài thơ tình của tôi qua các thời kỳ tôi đã "lưu lạc những hiên nhà gái đẹp". Có thể coi đây là một tập tuyển thơ tình Hoàng Lộc. Bè bạn khắp nơi và độc giả của tôi ở Quảng Nam luôn khuyến khích tôi thực hiện điều này.

*Một trong những bi kịch của sáng tạo là đứt lìa ký ức. Anh có dự định hồi hương để tiếp tục mạch thơ từng góp phần làm nên một Hoàng Lộc thi sĩ?

-Vài ba năm tới, tôi sẽ nghỉ hưu nhưng chuyện hồi hương thì đã đặt ra! Tuổi già nơi đây, với những người như tôi thật là... dễ sợ. Cứ hình dung cùng nằm với một bạn Mỹ đen già đã hoá thành con nít trong một phòng của viện dưỡng lão thì đã kinh hồn!
http://khoavietnam.vnweblogs.com/gallery/4380/previews-med/73858-4.jpg
Tôi sẽ về lại quê. Tôi sẽ được gặp và sống lại cái không khí bằng hữu và độc giả thân thiết một thời. Tôi lại làm thơ - cho đến khi bằng hữu và độc giả của tôi bảo thơ tôi không còn hồn vía nữa thì tôi ngưng nghỉ.
Với tôi, thơ tình là sở trường - nhưng nếu thế sự làm tôi xúc động, tôi cũng viết. Miễn sao xúc động phải là xúc động thật cho thơ.

*Thơ, nói chung với anh là gì? Nói riêng, thơ tình có phải là cảm xúc đỉnh của thi ca Hoàng Lộc?
- Có lẽ câu hỏi này có nhiều cách trả lời. Tôi thường tự nhận tôi chỉ là gã làm thơ cuối thế kỷ 20. Thời điểm của thế kỷ 21 là của những thi sĩ khác. Cái học, cái đọc của tôi có khi đã cũ - nên quan niệm về thơ cũng như thế chăng? Với tôi, thơ là cảm xúc được nói lên bằng chữ nghĩa. Mỗi người làm thơ đều có cách nói riêng của mình từ cảm xúc của chính họ.
Tôi không hề nghĩ thơ tình mới là "đỉnh cao" của cảm xúc và sáng tạo. Nghĩ thế thì “lớn lối” quá. Ấy nhưng, theo tôi - thơ tình dễ đọc, dễ cảm hơn bởi vì tinh yêu chính là... nguồn sống miên viễn của nhân loại.

*Thay mặt những người yêu thơ Hoàng Lộc ở quê nhà, xin cảm ơn anh.

ĐNK.

(Bài chưa đăng báo, tác giả giữ bản quyền. Kakaka)

Thơ Hoàng Lộc

KHI RỜI XA BOSTON
gửi Q.
rồi tôi trở lại bên trời
rồi em trở lại bên đời người ta
bóng sương chìm mấy giang hà
ngó nhau có chút lệ nhoà không em?

khổ chi rồi cũng đôi miền
buồn chi cũng mặt trời lên tháng ngày
em về áo lạnh chùng vai
bỏ đau phù thế rơi ngoài dặm tôi

dỗ nhau đâu dễ bằng lời
dỗ nhau đâu chỉ một đời mà xong!

10-99
http://khoavietnam.vnweblogs.com/gallery/4380/previews-med/73857-1.jpg
 Đặng Ngọc Khoa và Hoàng Lộc

MỘT MÌNH

một mình em, một mình tôi
hai ta mà phải chia đôi nỗi buồn
mái đời sắp sửa hoàng hôn
trong nhau, chỉ ngọn đèn hồn lẻ loi

đành em khép đóa tình hoài
phấn hương chừng cũng tàn phai ít nhiều
đành tôi lá mỏng cành xiêu
không che em đủ đôi chiều nắng mưa

hai lòng cùng chút niềm xưa
có nhau mà để trang thơ dãi dầu
vẫn tôi bèo giạt chân cầu
chờ chi, nước lạc dòng - đau cuối trời

một mình em, một mình tôi
hai ta cứ một mình, đời khổ chưa?


TÔI BỖNG MỒ CÔI

khi được chú tôi bịt khăn chế lên đầu
tôi thắp nén hương trên bàn thờ mẹ.
lời than bật ra - (tiếng gào thơ dại):
mẹ ơi - ba đã chết rồi!

khi tôi quì cúng cơm cha tôi
dâng dĩa bún xào ngước nhìn linh vị
tấm lòng xốn đau, thương mình bất hiếu
lần đầu trong đời tôi mời cơm cha!

chính lúc trở về - tôi bỗng mồ côi
(ôi tôi cũng có ngày mất cha mất mẹ!)
tay bưng bát hương, chân trần cát xé
tôi khóc ròng cùng nghĩa trang...

cha mẹ trên bảy mươi mà tôi còn long đong
cha mẹ trên tám mươi tôi đành lạc xứ
mẹ tôi yên nằm khi tôi cuối bể
cha ngoài chín mươi, tôi không kịp về!

mất mẹ cha rồi tôi có còn quê?
tôi có còn em mịt mù thị xã?
mồ côi - ơi mồ côi - sao tôi đến thế?
gió hút chiều nghiêng con mắt hỏi trời...

HOÀNG LỘC
11-03-08
________________________________________________________________

Vũ Trà My phỏng vấn Hoàng Lộc 
ở Yahoo Văn Hóa Việt


Vũ Trà My: Anh  đến với thơ từ lúc nào ? Đã có bài thơ nào của chính anh hoặc của một ai đã từng làm Anh mê đắm , yêu thích đến tận lúc nầy ?

Hoàng Lộc : Năm tôi vào trung học 1956, người bác họ của tôi có mua báo hằng tháng ở Huế là tờ Bông Lúa của giáo sư Lê Hữu Mục. Những bài thơ đầu tiên tôi đọc là của các anh chị Diên Nghị, Tường Phong, Tuyết Lộc, Cao Mỵ Nhân, Thế Viên... đăng ở Bông Lúa. Có anh chị lúc ấy đang ở tuổi học trò. Điều này khiến tôi nghĩ : người ta đang là học trò mà cũng làm thơ, sao ta không ? Thế là những bài gọi là thơ của tôi bắt đầu viết trên giấy vở cyclo thời ấy. Viết chỉ một mình đọc, không dám chia xẻ với ai ! Mãi đến khi tôi biết mua báo Sài Gòn để đọc và trái tim biết rung động với cô bạn cùng lớp khi viết, để can đảm gửi một số bài gọi là thơ ấy cho tờ Văn Nghệ Tiền Phong do luật sư Như Trị Bùi Chánh Thời phụ trách mục thơ - tôi mới... chính thức "đến" với Thơ.
Cũng từ một người bác họ khác của tôi, tôi được nghe những câu Kinh Thi do bác đọc. Và có đoạn đã theo tôi cả đời với lời giảng của chính bác tôi :Quan quan thư cưu tại hà chi chưuyểu điệu thục nữ
quân tử hảo cừu(Hoà hoà có tiếng chim cưu kêu ! Nó kêu ở đâu ? Kêu ở doi sông Hà. Nó kêu làm sao ? Nó kêu rằng có người gái thục thơm lòng mà trai lành cứ muốn đến cầu duyên...)

Vũ Trà My: Theo anh khi làm thơ và công bố rộng rãi cho tất cả độc giả. Anh có nghĩ cảm hứng đó cần trau chuốc hay chỉnh sữa như thế nào để cho mọi người yêu thơ cùng đọc, có thể hiểu được và có thể chia sẻ cảm xúc nầy không? Hay chỉ tôn trọng đúng cảm xúc của mình trong phút cảm hứng bất thần đó ( có khi câu chữ đến bằng một cơn đồng thiếp mê man của cảm hứng ) và đứa con tinh thần ra đời, để công bố rộng rãi

Hoàng Lộc : Có thể cách nghĩ của tôi sai. Nhưng từ bao giờ- tôi chỉ làm thơ cho một người. Đó là cho một người nữ thường gọi là ...Nàng Thơ. Không có Nàng, không có thơ Hoàng Lộc.
Với tôi, Thơ là Cảm Xúc. Cảm xúc về một điều gì đó từ Nàng hay... của Đời- là có tứ thơ rồi. Cảm hứng tới và có chút thời gian là bài thơ có thể hoàn tất. Tôi thường chỉ chỉnh sửa một số chữ lặp trong bài thơ. Chẳng mấy khi tôi phải "sửa thơ để được người khác hiểu".
Bài thơ đã viết, tự nó đã nói hay không nói được điều gì mà thôi. Tác giả không cần nói thêm. Cảm xúc của bài thơ là cảm xúc của nhiều người - thì bài thơ thành công. Cách đây mấy ngày - một bạn đọc của tôi phán : "Đọc thơ HL có cái thú là nhiều khi cứ tưởng bài thơ là của chính mình viết" (Lý Vĩnh Huê). Đây là câu khen ngợi - nhưng tôi lại thấy nó đúng với ý trên của tôi.

Vũ Trà My: Anh nghĩ bây giờ nếu có một bài thơ mới .anh sẽ chia sẻ đứa con tinh thần của mình theo tạng thơ bấy lâu nay, hay nên sửa đổi lại chút ít hoặc thay đổi hẳn theo trào lưu bây giờ ? Như thơ cách tân dùng chử mới lạ ,thơ theo hậu hiện đại, thơ trình diễn , thơ tân hình thức, thơ dùng chữ dung tục...etc....?

Hoàng Lộc :Cái học, cái đọc của tôi về thơ là những gì rất cổ điển và...sau Tiền Chiến. Vì thế, hình như thơ có vần, tôi thường xử dụng. Sau này khi đọc Sáng Tạo, Hiện Đại... lối thơ tự do như của Thanh Tâm Tuyền cũng có khi tôi thử nghiệm và có bài cũng đọc được. Cái thời " chạy theo trào lưu" thật sự đã qua khi chính mình đã tìm được bản sắc ?Cách viết nào - thể loại nào, theo tôi, không phải là chuyện quan trọng. Quan trọng, như đã nói, chỉ ở chỗ : bài thơ có chuyên chở được cảm xúc riêng của người viết mà có được nhiều người đồng cảm hay không. Cảm xúc riêng có thành chung được hay không.. Thế thôi.

Vũ Trà My : Như anh đã tự xác nhận là anh có..hơi hướm cổ điển...tiền chiến và thường làm thơ vần điệu.. Thế, có bao giờ anh đọc thơ hiện đại và thích nó ? Có bao giờ anh thử nghiên cứu về Tân Hình Thức, Hậu Hiện Đại ? Nếu có, anh...hợp với nhà thơ nào ?

Hoàng Lộc : Đến thời điểm này là cuối năm 2010, tôi đang làm thơ - tôi vẫn được bằng hữu đọc và có người khen - như thế tôi cũng...hiện đại - đúng không ?Bằng hữu anh em làm thơ thân quen với tôi vẫn có ông là Tân Hình Thức, Hậu Hiện Đại... đó. Khế Iêm vẫn gửi thơ tặng tôi. Tôi vẫn đọc Lý Đợi, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Huyền Thư..Có ông vốn "thơ truyền thồng" cũng rất Tân Hình Thức như Trần Vấn Lệ, Đức Phổ, Hoàng Xuân Sơn... Chính ông Hoàng Xuân Sơn đã khiến tôi, có khi phải chia lục bát ra thành... nhiều tầng thì đọc mới... có lý hơn.
Tôi không dám sắp xếp trào lưu, nhóm nhiếc này nọ gì cho một ai- chỉ vì tôi không rành cho lắm. Có những tên tuổi mới toanh, làm thơ không vần, hoặc một-nửa-có vần như N.T.A.H. và Đ.H. Tôi mới đọc thấy thơ của hai vị này trên mạng- và lấy làm thích lắm. Thích và...hợp cũng giống nhau chứ, Vũ Trà My ? (Cười)

Vũ Trà My
: Anh là một người làm thơ cũng nhiều thập niên rồi. Có bao giờ anh ưu tư về Thơ Việt Nam không ? Ưu tư về vượt thoát nào đó thật ngoạn mục kiểu...cá vượt vũ môn - để thơ Việt không ở hoài tình trạng " trì trệ, lẩn quẩn "- như một số ý kiến đã nhận xét ?

Hoàng Lộc : Tôi ngầm hiểu nhà phê bình Nguyễn Hưng Quốc có lần sắp xếp bọn làm thơ chúng tôi ( khởi viết trước 75) là lớp thơ "vần vè làng xã". Có sao đâu. Vì xã hội chúng tôi từng sống là xã hội làng xã mà ! Thơ của chúng tôi kéo theo một nửa thế hệ sau chúng tôi - cũng vẫn vậy ? Thế là có cái vụ "Thơ VN đang cần khởi sắc, đang cần một sự chuyển đổi cấp thiết" - và nhiều khuynh hướng, nhiều nổ lực cách tân đã có mặt ở trong và cả ngoài nước, từ hai chục năm qua ?
Tôi là gã làm thơ nên luôn trân trọng và thán phục mọi sự cách tân cho thơ Việt. Tôi chờ đợi, như chờ đợi và tin một Tình Già của Phan Khôi thứ hai thế nào cũng xuất hiện. Phải có một tài năng thơ thật sự thì mới làm được chuyện lớn như thế. Nhanh hay chậm thôi. Nhưng sẽ phải như thế.
Hai chục năm nay- tôi thấy thơ Việt Nam có cái lạ mà chưa có cái hay hơn. Lạ ở cách viết, ở mỹ cảm mới, ở hình thức.. Phần hồn thơ, theo tôi, đã xa dần nhà thơ ? Tôi làm thơ - mà lắm khi đọc thơ, không hiểu bài thơ nói chuyện gì ! Và nhất là cứ thử đặt nhiều bài thơ của nhiều tác giả bên cạnh nhau - thấy họ rất giống nhau, thiếu cái bản sắc từng người. (Tôi nhớ Nguyễn Hưng Quốc có khuyên cái ý đại khái rằng : bỏ hết cái học, cái đọc cũ - học cái học mới, đọc cái mới - thì có thể cảm ra thứ thơ mới này ! Ôi chao, tôi làm chi có thì giờ để...làm lại từ đầu đây, hả trời ?)

Vũ Trà My: Xin cảm ơn nhà thơ Hoàng Lộc đã dành cho chúng tôi những câu trả lời về thơ thật thú vị. Gã làm thơ Hoàng Lộc vẫn mong hoài một Tình Già của Phan Khôi thứ hai xuất hiện để thơ Việt không ở hoài tình trạng " trì trệ, lẩn quẩn " Tất cả những ưu tư trên xuất phát từ một sự trân trọng với thơ , và mong những người yêu thơ đừng thờ ơ quay mặt...
_________________________________________________________________


Tường Vi trò chuyện với Hoàng Lộc


http://saigonline.com/tho/interview/images/hl_langtu.jpg




1.
VNNP:
ta khổ quá chừng cô bé hỡi
em như hoa cúc nở trong vườn
mùa thu bay qua đời rất vội
mà dấu tình chưa kịp lãng quên ...

Thưa anh Hoàng Lộc, bốn câu thơ trên không có tên tác giả đã được chép nắn nót nơi trang đầu tập thơ viết tay của một cô bé . Hơn hai mươi năm sau, cô ta được hân hạnh nói chuyện với tác giả của bốn câu thơ này khi cùng trao đổi về văn thơ trên liên mạng....
Quả thật đây là một ngẫu nhiên rất lớn trong đời Vi ! Lúc ấy, thích đoạn thơ nào thì Vi cứ chép vào vở thôi chứ nào biết tác giả là ai, đâu ngờ có ngày mình lại được hân hạnh nói chuyện với anh như thế này. Anh có bao giờ nghĩ là thơ anh vẫn ở trong lòng người mến mộ lâu đến thế không ?

 HL: Cảm ơn Tường Vi đã thích và chép bốn câu thơ cũ của tôi vào tập vở, cách đây quá nhiều năm. Thơ chép vào tập và thơ ở trong lòng, thật khác nhau xa, cô ạ !

Quả là hạnh phúc cho bất cứ nhà thơ nào khi thơ mình được sống dai trong lòng người đọc. Nhà thơ nào nói giùm tâm tình cho nhiều người, cho nhiều thế hệ, thì thơ ông ta (hoặc bà) mới có thể sống dai. Tôi không dám nghĩ thơ tôi được vậy - dù tôi có ước mơ ấy.

2.

VNNP: Sẵn dịp nhắc đến 4 câu thơ trên, xin anh cho biết 4 câu thơ nằm trong bài thơ nào và được sáng tác năm nào? 

HL: Bốn câu cô trích chép là một khổ trong bài Mùa Thu Cũ, tôi đã viết năm 1972. Tôi không còn nhớ đã đăng bài thơ trên báo nào ở Việt Nam thời ấy, đến nỗi thất lạc vào tập thơ chép tay của cô.

3.

VNNP: Ðược biết anh được giải thi ca Văn Bút Việt Nam năm 1970. Xin anh cho VNNP biết thêm về riêng anh, và tác phẩm nào đã được giải thi ca.

HL: Tôi làm thơ như một cách tỏ tình. Tôi nói về lòng yêu của tôi với một người. Tôi cũng chưa từng có mặt trong một bút nhóm hay thi văn đoàn nào. Tôi đuọc giải thưởng của Trung Tâm Văn bút Việt Nam năm 1970 cũng là chuyện tình cờ. Số là hồi ấy, tôi có thu góp chừng năm mươi bài thơ viết về tình yêu, quê hương chiến tranh - đánh máy thành tập, đặt vội một cái tên là Trái Tim Còn Lại và đã tặng một cô bạn. Ai ngờ cô này lại gửi tập thơ đi dự thi. Ðến lúc có tin báo được giảì, tôi mới hay. Cũng vui vì Trưởng Ban Giám Khảo bộ môn Thơ là thầy Vũ Hoàng Chương. Sau đó một năm, nhờ sự tài trơ của thân hữu, tôi in tập thơ này và hình như do cơ sở Ðồng Nai Sài Gòn phát hành.

4.

VNNP: Năm 1999, anh đã cho ra mắt tập thơ "Qua Mấy Trời Sương Mưa" gồm 81 bài thợ Thơ anh được nhà văn Nhật Nguyễn nhận xét rằng, "Hoàng Lộc đến với đời này bằng trái tim không bình yên. Cõi thơ anh tưởng như là thế giới rất riêng tây. Thế giới ấy dù mở ra thăm thẳm chiều sâu nhưng bằng ngôn ngữ bình dị đời thường, lại khiến ta dễ rung cảm gần gũi." Có phải thơ Hoàng Lộc xuất phát từ những tình cảm riêng, từ một "trái tim không bình yên" như nhà văn Nhật Nguyễn đã nhận xét ?

HL: Ở bìa sau tập Qua Mấy Trời Sương Mưa, tôi có trích in một số ý kiến của các bạn văn về thơ Hoàng Lộc, trong đó có Nhật Nguyễn - như những giới thiệu thân tình với độc giả. Nhật Nguyễn có một cách nói riêng của bà. Rằng "HL đến với cõi đời này bằng trái tim không bình yên" - có lẽ bà muốn nói về một trái tim dễ rung động, trái tim thất thường, đa sự ? Chẳng chừng, trái tim bình an, lúc đau chỉ khóc ? Còn bất an, khi đau, lại làm thơ ? Dĩ nhiên thơ tôi là tình tôi, rất tư riêng. Bà Nhật Nguyễn nói đáng lắm. 

5.

VNNP: Anh có nhớ là anh đã photocopy cho Vi một phần trong tập thơ "Trái Tim Còn Lại" của anh không ? Vi vẫn còn giữ và quí bản copy đó vô cùng. Hoàng Lộc trong "Trái Tim Còn Lại" năm xưa và Hoàng Lộc trong "Qua Mấy Trời Sương Mưa" bây giờ vẫn là một hay có khác gì nhau không anh ?

HL: Khác chứ cô . Nhưng tôi khó nhận ra. Chỉ bằng hữu và độc giả thấy được. Ba mươi năm qua rồi, gã làm thơ đã già. Nhà văn Nguyễn Mộng Giác bảo trong thơ tôi, phong cách vẫn Hoàng Lộc xưa, nhưng đậm hơn.. Ðậm hơn là từng trải, dày dạn hơn - chớ chưa chắc là hay hơn. Một điều tôi tin tôi không đổi thay là những gì rất khó nói, dính dáng đến một tấm lòng...

6.

VNNP: Anh làm thơ tình rất nhiều. Ðó là loại thơ mà anh thích làm nhất, hay anh còn làm thơ về những khía cạnh khác của cuộc sống như quê hương, chiến tranh, v.v. ?

HL: Tôi làm thơ tình từ thuở tưởng đã biết yêu. Sau vài ba cuộc tình, tôi nghĩ tôi biết yêu thật. Tôi tiếp tục làm thơ tình. Tuy vậy, đời sống vẫn có nhiều chuyện làm cho mình điêu đứng như chữ tình - nên lắm lúc, tôi có những xúc động khác. Chẳng hạn, tôi viết về thời thế, về quê nhà, bằng hữu...

Có thể nói, như bạn tôi, cố thi sĩ Vũ Hữu Ðịnh : " tôi chỉ làm thơ khi tôi xúc động ". Với riêng tôì, hình như chữ tình dễ quyến rũ thơ tôi hơn !

7.

VNNP: Nhớ có lần anh nói anh chỉ ra một tập thơ nữa khi nào tập thơ ấy hoàn toàn khác hẳn "Qua Mấy Trời Sương Mưa". Xin anh cho biết sự khác biệt ấy phải là thế nào thì mới đủ hình thành tập thơ nữa, và anh đã có dự định nào cho "sự khác biệt" ấy chưa?

HL: Phải lạ hơn ở tứ thơ, ở cách diễn đạt chẳng hạn.Ví dụ lâu nay, tôi thường làm thơ có vần, ít viết thể loại không vần. Thi sĩ Tô Thùy Yên có bàn rằng thơ không vần vẫn phải tuân thủ một số luật tắc nào đó . Tôi nghĩ luật tắc kia cũng do chính từng nhà thơ tự tìm lấy , miễn sao luật tắc không phá đi cái hơì, cái bản sắc của thơ mình. Cô đọc thơ không vần của Thanh Tâm Tuyền và Tô Thùy Yên thấy khác nhau xa. Cái khác biệt ấy, chính là cái bản sắc một đời tìm của thi sĩ.

Tôi không hề có dự định gì cho thơ tôi cả . Nhưng nếu in thêm một tập thơ nữa mà vẫn chừng ấy chuyện, giống đúc Qua Mấy Trời Sương Mưa thì tôi không in. 

8. 

VNNP: Dạo sau này thấy anh hay xuất hiện trên liên mạng. Anh nghĩ thế nào về vấn đề phát triển của văn thơ trên liên mạng ?

HL: Ðăng thơ trên liên mạng tất nhiên có nhiều người đọc hơn ở báọ Thế nhưng, thơ đăng trên báo lại được lưu giữ lâu dài hơn, trân trọng hơn. Tôi không tin, cô gặp một bài thơ hay trên liên mạng, lại bỏ công in ra, xếp cất ? Vài năm nay, tôi không gửi thơ đăng các báo vì tôi không có thơ haỵThơ trên liên mạng của tôi không hay, nhưng bè bạn lấy đăng như một khuyến khích thương mến. Tôi nghĩ độc giả ở liên mạng cũng dễ dãi hơn, đọc qua rồi bỏ. Phát triển thơ trên liên mạng nhanh và phổ cập hơn. Chuyện này, tôi xin cảm ơn các bạn trẻ, riêng đối với thơ HL. Tôi mong rồi đây, thơ vào liên mạng sẽ được chọn lọc và sẽ có thật nhiều người đọc khó tính , biết trân trọng và biết cách lưu giữ những bài thơ hay.

9.

VNNP: Xin cám ơn anh đã bỏ thời gian nói chuyện với VNNP. Kính chúc anh luôn vui mạnh và mong được đọc những bài thơ tình của anh hoài hoài.

HL : Cũng cảm ơn Tường Vi, cũng vì tình thân nhiều năm tôi cộng tác với VNNP, đã cho tôi có dịp hầu chuyện, để độc giả báo nhà cùng nghe. Xin chúc cô cùng tờ báo luôn mạnh giỏi. 

B
ài Viết Về Nhà Thơ Hoàng Lộc:

Thơ Hoàng Lộc, Mùa Thu New England Và Những đêm Không Ngũ - Trần Trung Ðạo
Một Chút Cho Mùa Thu Boston -- Nhật Nguyễn
 _______________________________________________________________________









 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin chào bạn đã đến với Trang Thơ Tình Hoàng Lộc