Bài viết khác



 

ĐỒNG BẠC HỌC TRÒ


1.
Tôi vốn học trò nghèo. Lên trung học, buổi ăn sáng, mẹ chỉ có thể cho tiền đủ mua một gói xôi.

Năm đệ lục, tôi sinh chuyện … làm thơ  -  và đọc báo đâu đó – thấy có thi văn đoàn Người Hôm Nay của anh Triều Hoa Đại ở Đà Nẵng. Tôi quyết định tìm gặp anh ấy vì ước muốn xin ghi tên vào thi văn đoàn này. Tôi có thưa với ba tôi là cần đi Đà Nẵng, về trong ngày – để thăm một người bạn cùng lớp bị bệnh.

Có lẽ ba tôi nghĩ tôi thương bạn – nên cho tôi 30 đồng , tính đúng một vòng xe Đà Nẵng Hội An là 20 – và 10 đồng để ăn trưa. (Tôi không dám xin thêm dù có cớ mua quà cho bạn – và ba tôi cũng…không nhắc !)

Gặp được Triều Hoa Đại vào nửa chiều Đà Nẵng khi trong túi đứa học trò còn đúng 10 đồng , là lộ phí quay về. Triều Hoa Đại tiếp tôi tại nhà anh, lúc ấy ở đường Nguyễn Tri Phương. Anh vui vẻ trao cho tôi bản điều lệ gia nhập thi văn đoàn – trong đó có mục lệ phí hàng tháng và vụ chụp hai tấm hình để làm thẻ đoàn viên !

Hình như tôi từng chụp hình cỡ thẻ học sinh hai lần trước đó khi thi tiểu học và vào đệ thất – nên nghĩ tiền chụp hình ở Huỳnh Sau hay Lệ Ảnh rất mắc. Và cái lý do tôi bỏ lỡ cơ hội trở thành đoàn viên thi văn đoàn Người Hôm Nay chỉ vì không có tiền... đi chụp hình !

Ra Đà Nẵng với thất bại thế đó ! Và cũng chính vì thất bại này – mà cả đời tôi rất dị ứng với những thi văn đoàn. Tôi chưa từng có chân trong bất cứ thi nhóm nào. Đó là điều may hay rủi, đến giờ này, tôi chưa được biết.

Chỉ biết trên chuyến về lại Hội An, với 10 đồng để trả tiền xe – tôi lại không trả cho tôi – mà trả cho…cô bạn cùng lớp. Đây là chuyến xe đò mà chú Châu, quen với ba tôi, làm tài xế. Và vì lên xe chậm nên tôi phải đứng sau hàng ghế cuối. Nhìn lên, tôi thấy Bích ngồi gần ghế trưởng xa… Ý nghĩ trả tiền xe cho cô ấy thật bất chợt nhưng quyết đoán, cho dù trong túi gã học trò mười bốn tuổi chỉ có 10 đồng !

Tôi cầm 10 đồng, quay đưa cho chú phụ xe đang thu tiền : chú ơi, cho con trả cho cô nhỏ áo xanh, ngồi hàng  ghế trên kia. Chú phụ cầm tiền, hỏi lại : còn mi ? Tôi đáp : lát xuống xe, con trả cho chú ngay. Phụ xe nghi hoặc : mi chạy là... chết với tau !

Cuối cùng thì phải xuống xe. Tôi chỉ còn cách thưa với chú tài xế Châu : Chú ơi, con đi Đà Nẵng về, nhưng hết tiền – ba con sẽ trả cho chú sau, nghe chú ! Chính thời điểm tôi đang…hẹn nợ với chú tài xế, cô bạn cùng lớp đã đi về trước. Dĩ nhiên, Bích không về trước thì chắc gì tôi dám cả gan cùng nàng… về một lần !

Nếu nói theo người đời : tiền tặng con gái là vì dại gái – thì 10 đồng trả tiền xe này là lần dại gái đầu tiên mà tôi mắc phải, cho dù nghĩ thế là không được trân trọng với sự hồn nhiên của người cho - kẻ nhận ở tuổi tôi lúc ấy, phải không ?

2.
Mẹ vừa mua cho một cái áo mưa. Tôi đi vài lần mưa, cái nách áo toạc một khoảng nhỏ. Thời đó, Hội An chưa văn minh đến độ biết… dán áo mưa như sau này – mà tôi thì không dám báo mẹ là cái áo bị toạc.

Chiều tan trường, tôi thấy Bích đứng co ro sát hiên lớp. Mưa đã ướt một phần tà áo trắng. Nàng đang chờ người nhà mang dù hoặc áo mưa đến để về.

Tôi vội vàng (thành khẩn nữa), đưa chiếc áo mưa của mình và nói : Bích mặc áo này về nghe ! Bích cầm lấy áo mưa – và bảo tôi đưa sách vở của tôi cho nàng bỏ vào cặp. Khi Bích bước vào cơn mưa đi về nhà. Tôi lủi thủi theo sau. Khi đến trước cửa nhà Bích, tôi đã... ướt toàn thân !

Có lẽ gió lớn hay khi Bích tháo áo, đưa áo lại cho tôi – cái áo không thể không rách thêm. Và khi tôi về đến nhà mình, cái áo mưa ấy không còn xài được nữa ! Bị mẹ mắng cho một trận – và tôi bị cảm lạnh ngày hôm sau, phải uống… tiêu ban lộ, nhưng tôi thật sự biết mình rất hạnh phúc : Lần đầu trong đời, tôi được mẹ chửi và được cảm vì…tình !

Tuyệt vời nhất là hôm sau – dù đang nóng sốt – tôi được vào lại ngõ nhà Bích – để nhận số sách vở nàng bỏ chung cặp, mang về chiều qua… Cũng lần đầu, tôi biết hít hà, tìm trong sách vở ấy mùi hương của một… tình yêu !

3.
Chừng 16 tuổi, tôi hay theo đám bạn, giờ chơi – ghé quán bác Khương, phu trường – mua và hút thuốc lá ruby. Có lần Bích thấy tôi đang… tập hút. Nàng dịu dàng nói : Bích không muốn Lộc hút thuốc. Dịu dàng mà dứt khoát – nên tôi không dám.. 3 đồng 6 điếu ruby nữa. Và 3 đồng được chuyển sang 6 viên…kẹo đỏ lưỡi.

Bích thích ăn thứ kẹo đỏ lưỡi này (từ tay tôi trao) – còn nhớ không, em ?

Điều đáng như kỷ niệm ở đây là làm sao mà có được tiền để mua đều kẹo đỏ lưỡi tặng nàng ? Đó là thời các thầy Nguyễn Ngọc Anh, Đoàn Công Huy, Phan Văn Diêu mới vào dạy năm đầu tiên ở Trần Qúi Cáp. Tôi may mắn học giỏi những năm cuối trung học – nên được các thầy rất thương. Buổi sáng nào, ngang café Tiêu mà có các thầy ngồi – tôi luôn được cho một tô bún và một ly café. Và trong túi đứa học trò nghèo luôn còn nguyên tiền của mẹ cho ăn bữa sáng.

Và tiền ăn bữa sáng trở thành tiền… mua kẹo tặng…tình !

4.
Nhà thơ Tường Linh viết :

Đồng bạc học trò khó khăn là thế.
Em phải đền trong cuộc sống mai sau.

Những câu thơ trong một bài thơ về chuyện tác giả phải mua tem thư để gửi thư cho một cô gái nào đó – mà còn muốn buộc cô nàng phải trả lại tiền tem khi nhà thơ đã được sống bên nàng ?

Tôi còn có những đồng bạc học trò khó khăn hơn thế nhiều lần nhưng không hề có ý đòi trả với Bích trong mai sau đâu. (Mai sau của chúng tôi – không hề được kề bên – đã rõ ràng như thế !).

Và những đồng bạc của mẹ - của thầy một thời nuôi nấng tôi, được đem chia chác rất hạnh phúc cho một tình yêu học trò. Trong tôi, những đồng bạc ấy thật dành dụm mà vẫn đầy hào phóng.

Những đồng bạc học trò của tôi – đoan chắc với em : một đời em không trả nổi !

3-2012


HOÀNG LỘC
__________________________________________________________



Mì Quảng, món ăn dân dã quê nhà


  https://encrypted-tbn1.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcR-vrj0mVaLh9OW88glIZ2moGWcTRJwh6HOyyWt3M9QTr7rvwPfNQ


Mì Quảng, tức là mì kiểu Quảng Nam, nói lâu thành quen – nên mì Quảng phải hiểu là mì Quảng Nam, không ai có thể bảo là mì Quảng Trị hay Quảng Ngãi cả!

Tôi có cái may mắn là dân Quảng, lại ưa dong chơi nên được ăn mì Quảng nhiều chỗ, nhiều nơi. Khi lỡ bữa, bụng đói, trong túi lại không còn đủ tiền chi cho quán cơm, quán phở, bún; lại chui đầu vào một quán mì Quảng. Vì luôn luôn, mì Quảng giá rẻ mạt so với các thứ khác. Ăn cho hung, cũng hai tô với một cái bánh tráng nướng là no cành bụng! Giá một tô mì Quảng loại ngon nhất ở Cẩm Châu hoặc Cẩm Hà Hội An hiện nay chỉ vài ngàn đồng Việt Nam (1/10 đô la Mỹ).

Thầy Nguyễn Văn Xuân luôn miệng khen rằng số một mì Quảng là mì Phú Chiêm, Điện Bàn. Thầy còn nói là mì gánh ngon hơn mì quán.Theo thầy, lỡ dường qua Phú Chiêm, dưới bóng một bụi tre già, thấy một cô gánh mì Quảng đi bán rong thì thật là tuyệt diệu! Cứ gọi cô ta tới bụi tre, vừa mua mì vừa nói lời ve vãn, vừa nhìn ngắm thoải mái đôi mà đỏ au vì nắng – đôi khi nhìn không bỏ sót những gì nơi cô mà cô không hay biết vì bận chan mì!

Tôi đã ăn mì Quảng ở Túy Loan, Đại Lộc và mì Cây Trâm trên đường từ Tam Kỳ vào Chu Lai. Tại Trường Lệ, Hội An – nơi chôn nhau cắt rốn của tôi – có hai gánh mì nổi tiếng: mì Bà Lá và bà Tiếu. Từ Hội An xuống Cửa Đại, có mì bà Đợi cũng đắt khách một thời. Hiện nay, gần bến cá Cẩm Hà ở Hội An có hơn năm quán. Tại Thanh Quýt, Điện Bàn cũng có năm bảy quán...Hầu như các quán mì, gánh mì chỉ cạnh tranh nhau bằng cách bỏ thêm ít nhiều chút nhưn, chút đậu phọng, hoặc làm nhưn ngon hơn chút, nhiều tôm thịt thêm chút.

Còn một loại mì Quảng nữa, tôi gọi là mì-Quảng-ở-Sài-Gòn, là một thứ mì không ra mì Quảng! Vì lưu lạc cả một đoạn đường hơn chín trăm cây số, mì cũng đã học đòi làm sang? Có thế mới câu được một số khách sang Sài Gòn hiếu kỳ, nghe mì Quảng, muốn nếm thử? Mì Quảng ở Bảy Hiền Sài Gòn thuộc loại mì này, dù Bảy Hiền là nơi có đến tám mươi phần trăm dân Quảng cư ngụ. Nhưn mì ở đây toàn là tôm hùm bóc vỏ, có khi chơi thêm một miếng cốc-lết và một trứng vịt kho Tàu. Cái ngon của thứ mì-Quảng-Sài-Gòn không liên quan chi tới mì Quảng bản xứ. Chẳng chừng mai sau, có thêm một loại món ăn mới: mì Sài Gòn!

Hồi còn trai, tôi là dân đá bóng. Cữ tập thể lực buổi sáng từ 7 đến 9 giờ. Bữa nào mẹ tôi báo trước là có làm mì – tôi không tham gia các thứ đấu láo sau buổi tập – luôn đưa vài tên bạn về nhà, để cùng thưởng thức món quê dân dã ấy. Cả đời tôi, tôi nghĩ không ai, không nơi nào có thể cho tôi ăn một tô mì Quảng ngon hơn tô mì từ tay mẹ tôi làm!

Cái khó, cái quí đầu tiên của mì Quảng – là hạt gạo làm bột tráng mì phải của đồng lúa Phú Chiêm, Điện Bàn xay nên. Lại phải là thứ lúa mới. Mấy bậc trưởng thượng có kinh nghiệm còn đòi hỏi cho được loại lúa ba trăng cũ trên đồng Phú Chiêm nữa. Nước để ngâm gạo phải lấy nước giữa dòng Thu Bồn, Quảng Nam. Điều này tưởng cũng lạ lắm? Nhưng hứng nước mưa ngâm gạo, xay bột thử xem! Lá mì sẽ không được đủ độ khô, để có cái vừa dòn, vừa dẻo khi nhai.

Xay xong gạo, trước khi tráng mì lá, mẹ tôi thường cho thêm vào ít bột nghệ Thăng Bình. Mẹ tôi nói ở Thăng Bình, đất khô cằn, củ nghệ không lớn lắm, chứa tụ được hết cái ngon của cây. Màu vàng của nghệ Thăng Bình tươi hơn nghệ các nơi khác, lại thơm hơn, gợi thèm cho mũi và mắt hơn. Cũng vì lý do ấy, khi xếp mì lá để xắt, muốn tránh những lá và sợi mì dính vào nhau, mẹ tôi cũng dùng thứ dầu phọng Thăng Bình đã khử chín để thoa lên một mặt của từng lá mì. Dầu phọng Thăng Bình cũng thơm ngon hơn các nơi khác ở Quảng Nam.

Xắt mì cũng cần có chút quen tay và nghệ thuật! Không xắt quá lớn để có người bảo mì Quảng là mì quai dép. Cũng không xắt nhỏ quá để thành ra một thứ mì ăn liền. Phải xắt cho đều sợi và sau đó lại xở từng sợi ra, đựng trong thúng hoặc mũng trẹt lót và đậy bằng lá chuối sứ non. Chi tiết này cũng quan trọng vì lá chuối non vừa giữ được độ ẩm dẻo cho sợi mì, vừa có tác dụng giữ và pha mùi thơm vào cho mùi dầu phọng và nghệ.

Phần nhưn mì là phần đắt tiền hơn cả của mì Quảng – dù là chẳng có chi, ngoài mấy chút tôm, chút thịt và đậu phọng đâm hạt...Thịt cho mì Quảng cần nhất phải là thịt ba chỉ của loài heo cỏ, được nuôi ở các xứ Điện Bàn, Đại Lộc hoặc Thăng Bình. Nhiều người sành ăn cho rằng thịt heo Thăng Bình ngon hơn. Không thể dùng các loại thịt heo pha giống, con nào cũng tên một tạ, để làm nhưn mì Quảng bao giờ!

Mẹ tôi xắt thịt thành từng miếng mỏng, lớn bằng đốt ngón tay trỏ. Tôm đất Cửa Đại loại vừa, còn tươi rói, chỉ lặt đuôi ngắt đầu; một nửa được đâm hơi nát và một nửa để nguyên con. Hai thứ được ướp bằng muối, nước mắm Nam Ô và tiêu Tiên Phước, thêm một ít ớt màu cho đẹp mắt. Phần xào nhưn mì cũng khá công phu, liệu nhưn đổ nước. Nhiều nước quá, nhưn sẽ giảm cái ngọt của tôm thịt đi. Mẹ tôi không dùng bột ngọt và nói rằng ăn bột ngọt sẽ đau bao tử con ơi!

Rau sống cho mì Quảng phải có búp chuối sứ non. Búp già thì chát quá. Búp chuối xắt càng mỏng sợi càng tốt, lại ngâm nước muối cho trắng đẹp. Rau sống phố Hội An ngon tuyệt. Anh Xuân Tùng một thời đã ca tụng Rau Sống Phố hết lời. Phía đông bắc phố Hội, có một làng ven sông An Bàng, nay là thôn 1, Cẩm Hà chuyên trồng các loại rau sống này. Mỗi sáng, dân làng thường gánh rau vào chợ Hội An hoặc tìm xe đưa rau đi bán ở các chợ Vĩnh Điện, Hòa Vang, Đà Nẵng... Nghệ thuật trộn rau của người bán thật tuyệt diệu: tỉ lệ giữa bảy loại rau rất chừng mực – bao nhiêu nắm bắp chuối, cải con, xà lách, tần ô, rau húng, é, hẹ để có một rổ rau sống phố ngon lành.

Xong ba việc là làm mì, làm nhưn và trộn rau sống – việc cho mì vào tô, chan nhưn cũng không thể cẩu thả được. Phải có một nồi nước sôi nặng lửa hơn nồi nhưn. Giá sốngđược trụng một nhắm vừa phải trong nước sôi, rảy khô, cho vào tô đất tráng men đơn giản (loại tô mà người Quảng chúng tôi gọi là bát, có thể dùng để uống nước chè). Sau đó, cho rau sống rồi mì vào tô. Tỉ lệ giữa ba thứ giá, rau sống và mì cũng rất cần thiết cho một tô mì ngon. Thường là một phần giá, hai phần rau sống và hai phần mì. Chan nhưn cũng không nên quá nhiều nước, dễ làm bủn sợi mì đi. Nhưn một tô chừng năm miếng thịt, ít tôm nát và hai ba tôm nguyên con. Đậu phọng đâm nát được rải lên sau đó ở mặt tô mì kèm một ít bánh tráng chiên dòn bằng móng tay và ít hành huê.(Thứ bánh tráng chiên dòn này là từ sợi mì được cắt ra, chiên bằng mỡ lưng heo cỏ, còn gọi là tép mỡ. Hành huê là hành lá xắt vụn).

Cần nói thêm là cách đâm (giã) đậu phọng không phải dễ. Lựa đậu hạt vừa, rang chín tới, đâm nát làm bốn làm năm là vừa. Đâm nát quá sẽ mất đi âm thanh và mùi vị đậu phọng khi nhai.

Mì Quảng còn cần thêm một cái bánh tráng có ít mè, nướng đều. Một đũa mì bỏ vào miệng, thêm một miếng bánh tráng nhỏ, rồi cắn một miếng ớt còn nguyên trái, thử nhai! Về ớt, phải tìm mua cho ra thứ ớt chìa vôi Duy Xuyên vừa cay vừa dòn. Ớt tương hay ớt xắt lát đều không đúng điệu để ăn mì Quảng... Có lẽ cái ngon của mì Quảng là ở chỗ dòn và béo? Cái dòn của rau, giá, tôm không bỏ vỏ, tép mỡ, đậu phọng, bánh tráng...cùng cái béo của dầu mỡ, thịt trong nhưn và trong từng sợi mì.

Mì Quảng được ăn ngon nhất ở thời điểm sau mùa gặt tháng ba và tháng tám âm lịch. Lúc ấy có lúa mới và đủ các loại rau ớt. Ăn vào lúc 10 giờ sáng, khi nhà nông nghỉ nửa buổi. Nên dùng tô lớn và đũa tre để có thể trộn đều mì, rau cùng các thứ; vừa có thể hưởng cái chất dân dã Quảng Nam. Tôi có ông bạn tên là Phùng Sơn, còn huyên thuyên về cái cách ngồi để ăn mì Quảng. Đại khái là phải ở trần trùng trục, ngồi chồm hổm cho thoải mái, bưng tô mì ở tay trái, dùng đũa tre vừa gắp vừa lua, kê mồm vào mé tô để có thể húp cho đủ đô cái phần nước nhưn cốt lõi dưới đáy.

Ăn xong vài tô mì Quảng, lấy cái gáo dừa pha một gáo nước chè đậm nóng sốt, uống từng ngụm lớn, hít hà cái cay cái béo còn sót trong mồm, súc súc vài cái rồi nuốt luôn, thì thật là đã cái đời!

Ăn xong vài tô mì Quảng, lấy cái gáo dừa pha một gáo nước chè đậm nóng sốt, uống từng ngụm lớn, hít hà cái cay cái béo còn sót trong mồm, súc súc vài cái rồi nuốt luôn, thì thật là đã cái đời!

Tôi, đã lâu, không được ăn mì Quảng từ tay mẹ tôi làm. Ở xứ người, lại không đồng hương, còn tìm đâu ra để ăn, dù một tô mì Quảng dỏm. Dân Quảng chúng tôi, những người lưu xứ, đến đâu cũng rủ nhau làm mì Quảng là chuyện chắc. Nghe ở California cũng có vài quán mì? Nhưng tôi tin những thứ mì này không phải là mì Quảng Nam đâu!

Còn bao lâu nữa tôi mới được ăn mì của chính quê hương xa?


Memphis, trọng đông 1993

HOÀNG LỘC

______________________________________________________________________________



BÁNH TÉT QUÊ HƯƠNG

https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcS_OtIVTOFFMezVe2rKgDUj-qoImz-OSIyp3BZqGkZ5T7RZEi8ROQ




Sáu bảy lần Xuân về Tết tới, xứ người, thiệt không kiếm đâu ra một lát bánh tét ra hồn! Ở một thành phố hiếm người Việt như ri – mỗi đầu năm âm lịch,...vài quán bán thực phẩm Á Đông cũng bày bán bánh tét. Nhớ quê, tôi đã từng mua thử vài đòn, hàng năm, để gọi là ăn lại món bánh truyền thống quê nhà. Ăn bánh tét, nỗi nhớ càng thêm ác chiến!
Cứ một đòn bánh tét nơi đây, gói chừng non nửa lon nếp, cộng thêm đậu xanh, thịt nạc, được bán với giá 8 đô la. Nhà bốn mạng, một đòn, tét dè xẻn tám lát. Vị chi, một cái Tết, tôi được ăn đúng bốn lát bánh mỏng dính. Cứ giá ni, hai đòn bánh xứ người, nếu gói nấu bên quê, gia đình tôi sẽ có hơn ba mươi đòn bánh lớn?
Tôi ở Trường Lệ, Bắc ngoại ô Hội An. Từ nhà tôi đi bộ vô phố, mười phút tới trung tâm. Ấy vậy mà bánh tét phố và bánh tét ngoại ô có khác nhau. Cái khác dễ thấy là lát bánh ngoại ô bao giờ cũng lớn hơn bánh phố. Phải chăng người trong phố khá giả hơn, ăn uống chỉ chuộng cái ngon, không mấy để ý tới cái lượng? Đòn bánh nhỏ dễ tét (không bị bể nhân), dọn đãi khách coi đẹp mắt...
Cha tôi thường lo một ang nếp từ đầu tháng chạp. Luôn luôn, ông cụ chọn loại nếp ba tháng – mắc chút cũng ưng. Nhớ, có năm, tôi phải đạp xe lên tận Phong Thử, tìm mua cho ra thứ nếp nớ. Chừng hai mươi tháng chạp, chúng tôi đi xin vài cây trảy đá, loại dẻo – dân câu thường dùng câu ống. Loại ni thường được trồng bên bờ ao để giữ đất. Lựa trảy có lóng dài, để có thể tướt những sợi lạt mỏng. Tối kỵ những đoạn trảy nhặt lóng, khó tướt vì dễ lải và gãy ở mắt.
Chúng tôi chẻ đoạn trảy bằng dao, mác ra từng sợi lạt như lạt lợp nhà nhưng dài gấp hai ba lần, rồi tướt những sợi ấy ra nhiều sợi mỏng hơn. Một đòn bánh lớn ngoại ô tốn từ mười tới mười hai sợi lạt, cứ vậy mà tính. Tướt xong, chúng tôi thui sơ lạt qua một nhắm rơm khô đốt cháy, để làm sạch các chỗ xơ, vừa làm dẻo lạt nhờ hơi lửa. Xong đâu đó, treo các bó lạt ở giàn bếp, chờ ngày gói.
Những thợ tướt lạt chuyên nghiệp thì làm việc suốt tháng chạp, để đủ lạt bày bán khắp phố. Và cũng từ nửa tháng này, Hội An có thêm một nghề: bán lá chuối. Dùng xe đạp, sớm tinh mơ, đạp tuốt lên vùng quê Điện Bàn, Đại Lộc, Quế Sơn...mua lá, thồ về chợ phố, xếp từng xấp, cột lại – bán rất đắt – một lời một, hai. Hai mươi tháng chạp tới Tết, một số người ngoại ô lại đi gói bánh thuê. Xóm tôi, hai tay yên hùng gói bánh Ba Hóa và Bốn Khá, luôn được thuê gói với giá cao. Coi mấy ông anh ni gói bánh, thiệt như chớp – nhưng dĩ nhiên vì nhanh tay quá đỗi, đòn bánh không đẹp lắm. Khoảng hăm bảy hăm tám Tết, cha tôi mua lá chuối về phơi vừa héo, khắp rào nhà. Những năm sau này, tôi lên vườn chuối ông bạn Phạm Phú Kha ở Điện Phước để xin mươi lăm tàu lá. Bà cụ bạn Kha, sinh thời, vẫn lấy câu liêm giựt lá giùm tôi. Chính bác đã dạy tôi tàu sứ mô già quá, dòn khó gói – non, mỏng, ngắn đòn – chỉ lựa các tàu vừa. Và chỉ lá chuối sứ mới làm da bánh xanh mướt. Lá chuối cau khiến màu bánh vàng chạch, không ai gói.
Cũng thời điểm ni, mẹ tôi lo cà, ngâm, đãi đậu xanh và vo, ngâm, vuốt nếp - để ráo. Thịt heo ba chỉ, cắt dài bằng đòn bánh, lớn cỡ hai ngón tay – được ướp muối, tiêu, tỏi và ít vị tinh. Tôi thì phụ trách lau lá chuối bằng khăn ướt, để rồi cha tôi rọc lá.
Cần ba lớp lá cho một đòn bánh. Một lớp tốt nhất, miếng y – còn hai miếng kia có thể chắp bằng hai ba miếng. Chúng tôi rọc, lựa và cột riêng lá cho từng đòn. Số còn lại dùng làm lá bịt đầu bánh. Nhớ, lá phải vừa héo, yểu – nhờ nắng hoặc hơ lửa. Nếu không sẽ khó có thể bẻ gập khi gói hai đầu đòn. Trước khi gói, cha tôi trộn ít muối, dầu phụng sống vô nếp – muối, tiêu vô đậu xanh. Ông cụ trải ba lớp lá trên mâm đồng, bỏ sẵn sợi lạt dưới và ngay giữa các lớp lá. Dùng chén ăn cơm múc nửa chén nếp đổ đều, lượng chừng bằng đòn bánh. Sau đó, dùng muỗng lớn múc đậu xanh rải lên mặt nếp. Lấy một miếng thịt bỏ vô. Lại nửa chén nếp phủ lên. Kéo hai mí lá, khéo tay úp cả hai mí cho tới khi thấy tròn đòn bánh, dùng sợi lạt đặt sẵn cột lại. Bẻ gập một đầu đòn, dựng đòn bánh lên – lấy dao cắt bằng lá, sau khi thêm chút nếp nữa – rồi nhẹ nhàng gấp bốn cạnh lá, bịt đầu bằng hai hoặc bốn miếng lá chuối nhỏ và lấy sợi lạt thứ hai cột tạm. Đầu đòn kia, lật ngược lại, rồi cũng làm tương tự.
Một đòn bánh vừa gói, cha tôi chỉ cột sơ ba sợi lạt. Và công việc của tôi là cột đều hơn mươi sợi cho đòn bánh. Từ mười hai tuổi, tôi đã làm trò này – nên nói không sợ bị chê nói dóc – tôi cột bánh tét nhất xứ. Đừng tưởng dễ! Cột chặt tay là bánh sống ngay. Lỏng quá, bánh sẽ bị nhão – sau khi nấu, lạt siếc xục xịch khó coi. Phải duốn sợi lạt cho đẹp, dấu các múi và các nút lạt được nằm đều đặn về một phía. Cả năm, lại cột bánh bằng lạt. Cho dù lạt mỏng và dẻo, nhưng phải duốn trên ba trăm sợi như rứa, đố lóng giữa ngón tay trỏ phải của tôi không đỏ phồng, bọng nước!
Bù lại, thường – cha tôi cố ý gói đòn cuối cùng, luôn còn dư lại ít nếp, đậu và thịt. Ông cụ gói một cái bánh chưng không ra chưng, ú không phải ú, gọi là để...nấu ăn thử. Tuổi thơ tôi đã gắn liền với cái bánh ăn thử ni – như những món ăn thử trước khi cúng kiếng. Kỳ đời! Các thứ ... ăn trước ông bà... hắn ngon chi lạ!
Tháng chạp đủ, chúng tôi thả bánh vào sụp tối hăm chín Tết. Tháng thiếu, trước một bữa. Nồi bánh lớn được gò bằng loại nhôm tốt nhất, có thể chứa trên năm mươi đòn. Có ai đó cứ việc gởi bánh nấu giúp, chịu tiền củi. Cha tôi tìm sẵn củi từ tháng mười, tháng mười một âm, phơi nắng tốt, dồn cả vào cạnh chuồng heo. Gốc dương liễu, gốc bạc hà hoặc keo tây luôn được chúng tôi chuộng. Củi dương đượm, bạc hà bốc kèm keo tây khó cháy nhưng giữ lửa. Nhớ quá – hai cha con tôi đào gốc keo, gốc tre quanh nhà – cùng mình trần trùng trục, bửa chẻ đã tỉ! Cái bánh ăn thử luôn được thả ra sau chót, gần miệng nồi, dễ vớt... Hồi nhỏ, đêm nấu bánh, tôi ngủ chập chờn vì nó. Cứ dòm chừng thử nội tôi, cha tôi đã lấy ra chưa. Ác là cái bánh chỉ được chín, sớm hơn gà gáy một chặp. Chẳng hiểu nổi - trẻ nít mê ngủ là rứa – mà thấy vớt cái bánh nớ, bỗng tỉnh khô ra! Quanh nồi bánh tét, đêm cận Tết, chắc hẳn không ai có ít nhiều kỷ niệm. Nước sục sôi, lửa reo réo, đủ chuyện trên đời. Nhà càng đông, càng vui. Vui hơn, nếu có thêm bà con gởi bánh. Thêm củi thì chẳng khó chi. Thêm nước, phải có cách. Không đổ chừng chừng mà đổ gọn chừng một vài lần. Chúng tôi nấu từ tám giờ tối, trở bánh lúc rựng sáng, tới bốn năm giờ chiều hôm sau là xong. Bánh vớt, được rửa từng đòn bằng nước giếng, sắp cả vào thúng, lồng gióng treo ở nhà ngang, phòng ông Tí.
Chiều ba mươi Tết, cha tôi làm lễ rước ông bà. Trong những thức cúng bái, có mặt những đòn bánh tét mới toanh. Sau lễ, chúng tôi sắp lên bàn thờ một dĩa lớn có một ổ bánh tổ, một đòn bánh tét và một khổ bánh nổ. Người ta tét bánh bằng chính dây lạt đã cột đòn. Sau này cha tôi ưa dùng sợi cước cỡ pounds (6lbs) để tét. Tét bánh bằng dây cước, lát bánh coi đẹp mịn hơn nhiều. Lá chuối sứ làm da bánh xanh mượt mà – để có người tin da bánh xanh mang tới nhiều điều hên trong năm mới.

Bánh tét được ăn với củ-cải-củ-kiệu. Đây là món gồm củ hành, củ kiệu, củ cải, cà rốt, ớt, tỏi ngâm nước mắm đường nhiều ngày. Loại ni mặn, khác với loại chua của dân nhậu. Ở Hội An, ai cũng nhớ những hủ dưa món Năm Chốn, nhưng chắc ít người biết rõ củ-cải-củ-kiệu ở mô bán ngon nhất? Nồi bánh của ba bữa Tết, vẫn được ăn tới hết tháng Giêng. Để lâu ngày, bánh dẫu được nấu quá bốn mươi tiếng đồng hồ, ăn lại cứng, sống? Da bánh lên men chua. Muốn ăn, phải tét lát đem chiên. Bánh tét, bánh tổ chiên là món ăn tuyệt ngon khi cái Tết thực sự đã qua, đồ dự trữ mừng xuân đã cạn. Bánh tét ở Mỹ, phố tôi sống, được gói to hơn ống thổi lửa một xí. Có chỗ gói bằng một lớp giấy bạc (aluminum foil), ngoài làm bằng màu một lớp lá chuối, dùng dây ni lông hoặc chỉ nhợ cột đòn. Giấy bạc thì làm răng da bánh xanh được, nên phải bỏ phẩm màu. Nếp và đậu nghe như không có hơi quê. Thịt toàn thịt nạc, lại là heo Mỹ... Thứ chi cũng không phải của bánh tét – thì đúng thôi, nhứt định hông phải bánh tét rồi!

Tôi nhứt định sẽ về thăm quê vào dịp Tết. Sẽ gói, cột, thả, nấu, vớt, tét...cho hả, những đòn bánh bên quê. Chỉ bên quê mới có bánh tét của tôi, thứ bánh đầu xuân sum vầy ấm cúng. Bánh tét đi theo làm chi phía trời lưu lạc!



hoàng lộc
(Trích Đặc San Quảng Đà)
______________________________________________________________



CÂU HANH SÔNG PHỐ

HOÀNG LỘC
https://encrypted-tbn2.gstatic.com/images?q=tbn:ANd9GcT_mJlM4ygxtBin0UtZrebpO0weOGXmow3-jLBfJ8Rfia3saG5i

Có thể bắt chước thầy Đông Hồ để dẫn nhập cho bài viết này? Rằng câu cá là một trong những cái thú của người nhàn nhã ngày xưa. Thế thì đi câu cá chi mà chẳng được, chẳng là người nhàn nhã - cần chi phải câu đúng cá hanh? Ấy nhưng, ai chưa câu hanh, lại chưa biết hết cái thú của người câu cá. Thế thì câu hanh ở bến sông nào chẳng được, chẳng biết hết cái thú của người câu cá - cần chi phải câu hanh ở bến sông phố ấy - nhưng, phải câu hanh sông phố mới rõ ra cái điềm đạm, khôn lanh của loài cá này, mới thấy rằng lôi được một con hanh lên khỏi mặt nước, phải cần thiết một sự kiên trì từ một cuộc đấu trí tay đôi!
Thế sông phố là sông của phố nào? Sông Hàn - Đà Nẵng, Sông Đồng Nai - Biên Hòa, sông Sài gòn hay bất cứ bến nào của những con sông xuyên qua thành phố? Thưa, cá hanh sông phố của bài viết này là loài cá hanh ở một nhánh sông Thu Bồn Quảng Nam, chảy qua thị xã Hội An. Bởi dân Quảng chúng tôi, khi nói sông phố, ai cũng chỉ phải hiểu là sông phố Hội. Những sông phố khác, có thể cũng có cá hanh, nhưng chưa chắc cách rình, bắt, tha mồi... đã giống cá hanh sông phố chúng tôi vậy.
Khi tôi rời Hội An, số người câu hanh ở đó tính đúng bốn mươi bốn người, chưa kể số nhóc con vừa ráo máu đầu, cũng tập tành cầm cần câu phá đám. Trong bốn mươi bốn người này, không tính bác Trần Được vì bác đã qua đây trước tôi. Vả lại, bác Được, khi tuổi già, lại ít câu hanh đêm, chuyển qua câu trãnh, câu giếc ban ngày. Bốn tiểu đội câu hanh, dân Hội An chính tông, tuổi từ bốn mươi đến sáu mươi, sáu lăm - từng đêm vẫn xuất phát đi khắp bãi, kè phố cổ. Rất hiếm người còn chịu thiệt, ngồi rình hanh sông phố. Bởi cá hanh bến Hội An rất khó câu. Cỡ bác Chín Dân, chú Sử Triệu Nguyên, anh Tám Đặc... một đêm, chỉ năm bảy con hanh nhón, cũng đã là cao thủ.
Năm tôi mười hai tuổi, đã từng lè kè theo người dượng rễ, là lính ma-rin của Pháp, câu hanh sông phố lần đầu. Lúc ấy khoảng sông từ chợ cá Hội An đến đầu cầu Cẩm Nam bây giờ là khu vực cấm. Đồn ma-rin là dãy nhà bác Phán Lữ ra sông - và tòa tỉnh đường lại là đoạn nhà bác Vưu Minh sau này. Tôi nhớ hai chiếc ca-nô Pháp vẫn thường trực ở khoảng sông ấy. Dượng tôi và tôi, sau hồi kèn thổi 9 giờ đêm, sè sẹ xách cặp cần ra bến. Phải nói không đêm nào, cá hanh không cắn câu. Tôi có cảm nghĩ cá hanh dày đặc khúc sông. Cá câu được, không con nào nhỏ hơn bàn tay khép. Mồi câu cũng chẳng cần chọn lựa khó khăn như bây giờ. Chỉ cần một số tôm cắt miếng, tôm ươn càng tốt - cá vẫn cứ ăn sây.
Rác rến, bao bì khắp phố, nhất là từ dãy cư dân dọc bờ sông, thường cứ đỗ hằng ngày ra bến. Nước có cuốn trôi đi, nhưng chẳng thể nào trôi hết, đến nỗi sông phải cạn dần! Hình như ngày nay, trừ giữa lòng sông - chỉ nơi bến cá Hội An là sâu duy nhất?
Cá hanh vì sông cạn mà thưa dần. Hanh lớn thì khôn ngoan, chỉ đứng các nơi hiểm hóc. Bốn mươi năm thôi mà sự bồi lở nhãn tiền. Phần đất bên kia rạp chiếu bóng Hòa Bình cũ, đã không còn dáng vẻ năm xưa? Hướng sông lở về tả ngạn. Vì thế, người ta đã phải làm các kè đá, chắn bớt sự xoi xoáy của sông. Sau năm 1975, cá hanh cũng tìm nơi cư trú mới. Đó là các kè Cẩm Nam, Cẩm Hà.
Cá Hanh di tản. Người câu hanh sông phố có thể đếm đầu ngón tay. Nhiều đêm, đi không về không, tôi vẫn cứ ưa rình hanh sông phố. Có lẽ, trong tôi, câu đêm bờ phố Hội, như một nỗi hoài cổ, một sự tìm về? Ở cõi xưa cũ nào đó trong tôi, vẫn bình thản như sông?
Cá hanh thường ăn theo con nước. Theo thủy triều, nước chảy lên, xuống vừa độ sáng, cá hanh mới bắt mồi. Dân câu nhìn trăng mà xách cần. Cao thủ câu thức ngủ cùng trăng...
Tục ngữ mới của dân câu Hội An: Trăng non Cẩm Hà, trăng già Cẩm Nam. Không nghe ai giỏi nói chi về sông phố. Cá hanh nơi đây, ăn uống không hề chọn bữa. Năm khi mười họa, cá mới chiêu đãi người câu.
Bến phố bây giờ, đoạn từ nhà bác Quảng Thắng lên rạp Hòa Bình, người ta đã rào chắn, đặt ghế như một công viên đêm. Mùa hạ, có thêm các xe nước mía, xe sinh tố, quầy thuốc lá lẻ, những gánh chè rong... Thuyền bè ngày đêm tìm cập đoạn sông này. Tiếng người, tiếng chèo khua... đuổi cá ra sâu. Đoạn này thật chẳng còn ai câu kéo.
Câu hanh sông phố, chính chỉ còn câu, đoạn từ sau nhà bác Quảng Thắng xuống quá chợ cá Hội An. Đoạn bờ ấy quả có mùi vị đặc biệt mà những người Hội An chúng tôi ai cũng biết. Cũng lắm lúc sông trăng đẹp ngời, ấy nhưng chỉ dành riêng cho bọn mê hanh... thưởng lãm!
Cá hanh ăn nhiều nhịp: bắt, tha và nuốt mồi Mỗi nhịp như thế, cá đưa mồi đi xa thêm. Theo các tiền bối câu hanh - đêm, khi vắng người, cá hanh lết sát bờ tìm mồi. Cho nên, rà mồi từ sâu vào cạn, hay gặp cá. Bến phố có bờ đá chắn, có cừ gỗ lâu đời cá hanh thường dựa, tìm ăn cả ốc, hến khi cần.
Chợ cá Hội An sát sông, nên tất cả vi vảy, ruột cá, tôm ươn, từng bữa đều đỗ ra đó cả. Đủ mồi, cá lại sinh tật kén ăn. Nước trong, hanh hay ăn gián đất - là một loại gián phổ biến, chuyên chui rúc trong gạch vụn, nền nhà ẩm thấp hoặc dựa mé chuồng heo. Khi nước đục, có lẽ khó thấy màu nâu đen của gián, cá hanh lại ăn mồi sán lợn (lải heo), màu trắng, sáng hơn.
Biết vậy, nhưng đừng tưởng dễ kiếm các loại mồi này. Dân sang, cứ thuê người bắt gián, mỗi lọ chừng năm mươi con, giá từ 500 đến 2000 tiền Việt. Còn sán lợn, phải tìm các bạn mổ heo, đặt tiền trước. Vậy mà đôi lúc, hỏng đũa, không mồi câu. Lý do là người nuôi lợn thời nay, cứ ác nhơn cho heo uống nhiều đợt thuốc xổ sán lải, đến nỗi có khi, mổ năm bảy con heo, mà chẳng con nào chịu cung cấp mồi!
Cần câu hanh là một loại trảy mỏng ống, trồng trên đất cát pha thịt để có độ nhẹ. Trảy càng nhặt mắt, ngắn đốt, càng tốt. Ăn thua, phải coi bểu cần, có chân giò gì không. Bểu có lắm nhánh, chân giò nhiều, thường khó uốn thẳng và dễ gãy. Cần phải thật nhẹ để nhậy nghe cá bắt mồi và nhất là khỏi rã tay khi cầm năm sáu tiếng đồng hồ liên tiếp trong đêm. Các thứ cần máy đắt tiền ở Mỹ không thể dùng rà hanh sông phố. Trảy đúng tuổi, đốn đúng mùa, gặp cây bền dai lắm. Như bác Chín Dân hiện còn giữ như nâng trứng, hai cây cần nhẹ tưng, mua cách đây ba bốn chục năm.
Cụ Trưởng Nhung nổi tiếng một thời về nghệ thuật câu cá. Lúc sinh tiền, cụ là một trong vài tay câu bậc nhất. Nghe nói, cụ từng bắt nhiều con hanh sè, với cần yếu và cước mảnh - lại dùng loại cước Trung Hoa ngày trước, từng sợi ngắn, thô - phải chuốt nối trước khi câu. Cụ đã tự sản xuất bằng tay một loại lưỡi câu thời danh: lưỡi Trưởng Nhung. Hiện nay, hai người con trai cụ vẫn theo đuổi nghiệp cha. Nhưng có lẽ, chỉ anh Bảy, con thứ cụ Trưởng, là được chân truyền?
Anh Bảy, cứ đến mùa trảy, lại thuê xe đi lùng sục các thôn làng đất Quảng. Anh mua trảy tươi, về phơi vừa độ nắng, mới làm mắt và uốn nắn cẩn thận. Coi anh Bảy uốn cần, thật kỳ thú! Một cây trảy cong queo, qua tay anh, thẳng như đường tên đi. Không trách, anh mua một cây trảy tươi với giá 200, lại bán một cây cần đến 2 hoặc 3000 đồng.
Dân câu bảo có cây cần-câu-không-ra-cá. Có cây, cá lại ăn sây. Nhiều người tính mắt trảy theo bốn chữ sinh, lão, bệnh, tử để cắt cần. Tính từ gốc lên ngọn, mắt cuối cùng nhằm chữ sinh hoặc lão là tốt, giúp cần câu không gãy bất tử. Chú Sử Triệu Nguyên cho biết thêm, theo kinh nghiệm mua cần câu, hễ cây trảy nào có chim chèo bẻo làm tổ, cây đó sát cá dữ tợn. Hỡi ôi, thật khó kiếm?
Cước so với cần, khi câu sông phố, là hai cần cước. Ví dụ, cần dài một sãi tay, cước phải gấp hai. Câu cần tay kiểu này, chú Nguyên ưa chơi đến năm sáu cần cước. Cần ngắn, cước dài, rất khó ném mồi. Nhưng cứ thử, cứ tập, việc này rồi cũng làm được. Cả việc mò bắt gián đêm, trong lọ nhỏ - không hay làm, chỉ tổ... thả gián về hang.
Chừng 20 giờ tối, ở bến phố, chịu khó hít quen mùi tanh nồng chợ cá, móc - ném mồi ra sông. Theo thủy triều, nước re re chảy. Nhướn tay giở nhẹ ngọn cần, cao hơn, cao hơn nữa để đưa con mồi dần vào bờ. Cá chưa bắt mồi ư? Thì cứ lặp lại động tác ấy! Sẽ có lần, sẽ có đêm, ta nghe đầu cần khựng lại như bị ngón tay ai búng. Mặc trái tim rung, nín thở, nhích rất nhẹ ngọn cần. Có một sức níu trì mũi cần xuống một quảng thôi, rồi dừng lại. Hanh đã ngậm mồi, ra chớn nước đấy bạn ơi. Nhích thêm một lần sợi cước căng, nghe trì nặng hơn, có khi bị lôi đi một đoạn nữa Lúc ấy, thần kinh ta cơ hồ tê dại - để bất chợt, xung động mãnh liệt, ra lệnh cánh tay giật vội. Sợi cước xé nước, cá đau vì mắc lưỡi thép, chạy hoảng. Nhớ là cá lớn, cước mảnh - đừng vội lôi cá vào bờ. Hãy dìu cá chạy từ sâu vào cạn, dìu tránh chân cầu, chân cừ. Thấm đau, cá chạy một hồi mệt nhoài. Khi thấy cá nghiêng lườn mặt nước, nếu cước ngắn, cứ dùng cần hắt cá lên bến - còn cước dài, phải đưa ngọn cần qua khỏi đỉnh đầu, tay trái quơ bắt sợi cước, rồi hai tay lôi nhanh con cá.
Lý thuyết là vậy. Nhưng khi lâm trận, còn tùy. Câu quen, mười lần giật, được năm bảy con hanh. Mới biết câu, giật hoài không mắc. Cái tê sướng nhất của người câu hanh là khi dìu cá chạy. Xúc giác, từ tay cầm cần đã khoái. Tai còn nghe được tiếng cước veo veo. Và mắt, thấy rõ sợi cước cắt xé mặt sông. Khi trời trăng, khi nước ngời, vệt cắt sáng lòa như sao xẹt.
Nhớ có lần, tôi cùng bác tôi câu sông Trà Quế. Ông cụ nghe tôi la ỏm tỏi vì gặp cá lớn, phải bỏ cần chạy tới, đề nghị tôi nhường ông cụ dìu giúp cá lên bờ. Tôi đã lắc đầu nguẩy nguậy. Phải sướng cái tay trước ! Dù sau đó, con cá đã bị sẩy.
Tương truyền, cá cắn câu, bị sẩy nhiều lần, sẽ thành một loài gọi là ngư tinh. Sông phố Hội chắc có nhiều loài này! Bác Chín Dân, chú Sử Triệu Nguyên, bác Quảng Thắng, anh Tám Đặc... đều quả quyết cá hanh sông phố biết...kẹp mang. Thấy mồi, cá không dùng miệng để bắt, mà lấy mang để kẹp. Kẹp mồi xong, cá lôi mồi ra sâu, thật sâu - biết an toàn, mới ăn. Nhiều nhịp lôi như thế, cá đánh lừa được người câu. Ai mà chẳng giật trong trường hợp ấy? Đối với những ngư tinh như thế, cần học theo cách câu của bác Trần Được. Tôi đã từng thấy bác Được, tay phải cầm cần, dùng tay trái chống, đôi chân, cả đầu gối bò theo hướng cá lôi mồi. Cá tha đi rất xa bờ nhưng bác vẫn chưa giật vội. Bác nới cần cho cá lôi mãi, đến khi không còn cách nới, buộc bác phải thọc nhúng cả ngọn cần xuống khỏi mặt nước. Ngư tinh nuốt mồi, bác mới giở cần, bắt cá.
Có ba loại cá hanh: lươm, bạc và đỏ đuôi. Hanh lươm màu đen, bạc màu trắng và hanh đỏ đuôi có ngọn đuôi vàng ối. Hanh đuôi đỏ chỉ sống ở sông toàn nước ngọt. Sông phố, nước sà hai, có cá hanh bạc và lươm. Hanh lươm có sức chạy rất tuyệt, tạo cảm giác mạnh cho người câu.
Dân câu chia cá hanh làm nhiều cỡ. Hanh nhón là loại hanh nhỏ, từ bốn ngón tay hở trở lại. Lớn từ bàn tay trở lên, hanh không còn nhón nữa. Lúc ấy, lại có các cỡ: hanh năm ngón, năm ngón hở, hanh sè, gang chống (bề ngang cá cỡ bằng một gang tay). Riêng chú Sử Triệu Nguyên còn có thêm một cỡ: hanh-cartable-con-Thủy, để chỉ độ lớn vài con hanh chú nói đã câu được, to bằng cái cặp đi học của cô gái út chú.
Người câu hanh Hội An không ai chịu thua ai! Bến nào, những đêm câu, cũng vang tiếng hỏi nhau: mấy lá rồi? Ý hỏi đã câu được mấy con. Tiếng đáp là số con kèm lời khoe cỡ cá. Được một con sè, sẽ đáp gang chống. Một con bốn ngón, có thể hóa thành hanh bàn tay. Hình như cái chân tài một người câu Hội An được cân đo bằng cỡ cá bắt được? Kẻ viết bài này, tính đến ngày xa sông phố, có thành tích cao nhất là một hanh lươm 1kg 470. Không biết đã tài cán chi chưa?
Hanh sông phố mập mạp, tròn trịa hơn các nơi khác. Chú Hà Bông - anh ruột bạn Hà Rê, nhà cận bến, hễ xách cần ra là dặn người nhà lo bắt trước một lon gạo cháo. Có hôm, chú Bông chỉ được một con hanh ba ngón. Vậy mà chú bảo đã nấu một nồi cháo cá ngọt xớt! Đủ biết hanh sông phố ngon tới mức nào.
Có ba cách câu hanh: Câu rà, câu ném (dùng cần ống) và câu vùi. Sông phố, chỉ xử dụng hai cách đầu. Còn cách câu vùi xưa cũ, chỉ thích hợp với những tay sành lặn và ở những bến sông cát trắng. Móc tôm sống, cầm mồi lặn xuống sông, vùi tôm vào cát, gần chớn sâu. Nhớ là phải tạo được một khoảnh nước đục quanh chỗ vùi mồi, rồi quay nhanh lên bờ. Cá hanh tìm thức ăn, nghe động nước, sẽ tụ tới. Thấy tôm, hanh sẽ chụp ngay. Người câu chỉ việc thực hiện động tác nới cước, dụ cá nuốt, rồi giật.
Anh Tường Linh còn cho biết một cách câu hanh mới, dù - theo anh kể anh đã dùng cách này để câu, thời anh còn rất trẻ. Đó là cách câu móc, không cần mồi. Anh bảo có lần đã cùng anh Tạ Ký đi câu hanh. Tạ Ký cầm cần, còn Tường Linh cầm lưỡi câu lặn xuống bến nước. Cá hanh lớn thời ấy chưa biết sợ người? Thấy anh Tường Linh, cá bơi quanh và anh từng dùng móng tay gãi lưng cá! khoái vì đã ngứa, cá đứng im, phành mang mà thở. Và anh Tường Linh đã dùng lưỡi câu móc vào mang cá, rồi giật nhẹ sợi cước. Tạ Ký thấy cần động, hiểu ý, đưa cá lên bờ.
Tôi và anh Tường Linh là chỗ quen thân - biết anh lặn lội đại tài - nhưng nghe kể cái cách câu hy hữu kia, tôi thật nửa tin nửa ngờ!
Đã câu hanh khắp chốn, nhưng với tôi, mê nhất vẫn là câu hanh sông phố. Tôi nghĩ đến yếu tố tâm lý của người đá bóng: sân nhà, khán giả nhà - đã nửa phần chắc thắng. Trên sông quê, phố tình yêu và tinh ngư tri kỷ - câu như thế mới đáng mặt câu.
Nhắc là nhớ. Nhớ, lại mong về. Chưa thể về. Buồn quá đỗi ! Hẹn một ngày, trong va-li qui xứ, nhất định phải có vài chục trục cước câu Pháp quốc, chia cho anh em, để cùng yên bụng bắt hanh sè sông phố.

HOÀNG LỘC







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin chào bạn đã đến với Trang Thơ Tình Hoàng Lộc