Thứ Sáu, 12 tháng 12, 2008

thơ Hoàng Lộc với Trần Doãn Nho


( Tháng 10 – 1999, ở “phố học” Boston, MA - với sự bảo trợ của nhà thơ Phan Xuân Sinh và phu nhân, ĐÊM THƠ TÌNH HOÀNG LỘC được tổ chức, với sự tham dự của gần 200 bạn văn và đồng hương.
Trong tình thân, nhà văn Trần Hoài Thư giới thiệu tác giả, nhà văn Trần Doãn Nho nói về tập thơ Qua Mấy Trời Sương Mưa và nhà thơ Trần Trung Đạo dẫn dắt chương trình.

Tôi chép lại bài nói của Trần Doãn Nho trong đêm đáng nhớ ấy. Sau đó bài nói này đã in lại trong tạp chí Thế Kỷ 21 , California, Hoa Kỳ. )


Tôi đọc thơ Hoàng Lộc từ những năm cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 trên một số tạp chí văn học hàng đầu ở Sài Gòn như Văn, Bách Khoa, Khởi Hành…Thời gian đó, nói không ngoa lắm, là thịnh thời của những nhà văn, nhà thơ đất Quảng. Nhiều tên tuổi nổi bật trên văn đàn như Thái Tú Hạp, Nguyễn Nho Sa Mạc, Luân Hoán, Đinh Trầm Ca, Hà Nguyên Thạch, Huy Tưởng, Thành Tôn, Nguyễn Nho Nhượng bên cạnh tên tuổi của những nhà văn, nhà thơ khác ở nhiều vùng khác nhau như Trần Hoài Thư, Hồ Minh Dũng, Nguyễn Bắc Sơn, Lâm Chương, Lê Bá Lăng, Lương Thái Sĩ, Mường Mán, Cao Thoại Châu, Chinh Yên, Trần Dzạ Lữ…Tất cả đều là những khuôn mặt mới toanh trên văn đàn miền Nam. Họ là những người thuộc thế hệ trẻ lớn lên trong không khí văn học khá tự do đang trên quá trình dân chủ hóa. Hầu hết trong số họ là những người lính, đang cầm súng hay cầm bút. Tuy trong tình trạng chiến tranh, trong tư thế phải chọn một lập trường chính trị, nhưng các tác phẩm của họ thường không mang màu sắc chính trị. Họ vẫn chiến đấu như những người lính và vẫn viết văn, làm thơ như những con người. Họ vào trận mạc trong lúc vẫn suy tư về cuộc đời , về sự nghiệp và về chiến tranh theo trái tim riêng của họ đồng thời thể hiện chúng qua những bài thơ và giòng văn. Chính vì thế, mà cuối cùng, tuy chiến bại, những tác phẩm của họ vẫn góp phần tạo nên một nền văn học thực sự cho miền Nam cũng như cho đất nước.

Nói riêng về thơ, mỗi người trong số họ có một phong cách riêng, có một cách nhìn ngắm cuộc đời và cách đưa vào văn chương riêng, nhưng vô hình chung, họ cùng nhau tạo nên một giọng thơ khá riêng biệt trong nền văn học, nhất là thơ tình. Giòng thơ đó không quá mới mẻ, đôi khi bí hiểm hay đầy chất trí tuệ như xu hướng của một số nhà thơ tự do, không cổ điển như kiểu Vũ Hoàng Chương, Đinh Hùng, và cũng không đến nỗi "tiền chiến', sáo mòn như kiểu thịnh thời Thơ Mới. Có thể nói, thơ của họ phảng phất chút thơ tự do, chút thơ cổ điển, chút tiền chiến.

Chúng ta hãy đọc thử một số đoạn thơ trích từ một số bài thơ của nhiều người khác nhau trong số họ:

Chiều cuối năm, ngồi trên tầng phố cũ
Trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
Hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng đỏ
Đã xanh rồi cây trái mọc suy tư
(Nguyễn Nho Sa Mạc)

Có bao giờ thích tiễn đưa ai
Đưa tiễn vốn chỉ hay nhàm chán
Đời trăm năm mập mờ như bóng nắng
Đưa một người làm trống phía sau lưng
(Cao Thoại Châu)

Em đừng hỏi ở rừng có chi lạ
Có gì đâu bia mộ dựng trong hồn
Bạn bè ta ưu tư ngủ gục
Với rừng già rách nát thương tâm
(Trần Dzạ Lữ)

Núi mờ, những sợi mưa bay
Nghiêng nghiêng mái cũ, lạnh đầy hồn không
Bước theo những giọt vô cùng
Mưa. Mưa. Hạt lệ mù trong đất trời
(Hồ Ngạc Ngữ)

Hãy tưởng tượng mỗi lần nói đến Huế
Về những căn nhà ma
Ngõ vào hai bên là hai hàng cây kiểng
Tường những rêu phong
Đẹp như tranh tĩnh vật
Đời như cỏ cây
Đời sống mịn màng
(Sương Biên Thuỳ)

Hồn ta đã mấy lần mây trắng
Phảng phất đời em tắm bến xưa
Hồn ta có một thời phiêu lãng
Trú thân buồn vương ngọn lưa thưa
(Từ Hoài Tấn)

Những sớm mai, những sớm mai hồng
Bên đồi tây, anh nhớ đồi đông
Nhớ đôi mắt biếc màu thu ướt
Nhớ tóc đuôi gà em trước sân
( Hoàng Đình Huy Quan)

Dường như đứa trẻ nghìn năm trước
Bây giờ đây vẫn trẻ trong ta
Khi về râu tóc còn nguyên vẹn
Một ngày loáng thoáng một ngày qua

(Nguyễn Bắc Sơn)

Có phải em Sài Gòn
Kiêu sa và hoa lệ
Hồn nhiên và tươi trẻ
Chưa biết gì chiến tranh
Chiến tranh thì mặc, em đừng sợ
Trò chơi cầm súng vẫn còn dài
Cứ liếc nhìn anh rồi cắn miệng
Hay cúi đầu như thể hổ ngươi
(Trần Hoài Thư)

Từ em đi những tháng ngày xa lạ
Những tháng ngày máu đỏ chẳng về tim
Tôi vẫn đứng trong khu vườn thương nhớ
Nghe mưa bay hiu hắt lạnh trong hồn
(Lâm Chương)

Tứ thơ, không khí thơ phảng phất cũ, phảng phất mới. Ý thơdung dị, chơn chất. Hiện thực đời thường tan hòa trong những suy gẫm nhân sinh và những rung động tinh tế của trái tim trước cuộc sống, tạo nên những hình ảnh khiến ta bâng khuâng, buồn buồn. Chúng mang lại một chút gì dịu nhẹ, êm đềm nhưng thấm thía. Giòng thơ này, qua nhiều biến động long trời lỡ đất của đất nước, vẫn còn tồn tại ở lớp người làm thơ đó và truyền lại sức sống cho những thế hệ làm thơ sau. Nó vẫn còn ảnh hưởng khá mạnh mẽ trên văn đàn hải ngoại - và một phần nào đó, cả ở trong nước.

Hoàng Lộc làm thơ trong không khí đó, trong giòng thơ đó. Anh đã đeo đẳng nó, ôm ấp nó từ thuở đầu làm thơ cho tới bây giờ. Anh viết hoài viết mãi như thể anh vẫn chưa nói hết những điều anh muốn nói. Những bài thơ trong tập "Qua mấy trời sương mưa" (QMTSM) in theo thứ tự thời gian. Đó là những bài thơ chắc lọc trong ba mươi năm làm thơ, trải qua bao nhiêu thăng trầm của số phận một đời người.

"Thơ trải dài qua ba thập niên, mà thi tập như một khối nhất quán, như tác giả vừa chụp lấy bút viết một mạch trong một đêm" (Văn Học).
Bài thơ đầu tiên đề năm 1969 và bài thơ cuối đề năm 1999. Tuy đề cập tới nhiều chủ đề khác nhau, QMTSM rõ ràng vẫn là một tập thơ tình. Hầu hết các bài thơ đều nói lên những bâng khuâng, e ấp, những day dứt, những sầu, những nhớ, những giận hờn, tiếc nuối, những rung động về tình yêu. Anh làm thơ tình trong bất cứ hoàn cảnh nào, ngay cả trong hoàn cảnh thân tàn ma dại của một tù nhân, của một người lính thất trận hay trong thân phận lưu lạc xứ người.

Cái tình đeo đẳng lấy anh như một loại "sinh tử phù".


Một đoạn thơ làm năm 1972:

Khi anh về bất ngờ anh biết khóc
Qua hiên nhà người bé vào lớp học
Bé đâu hay thành phố đã lên sương
Là khi anh cúi xuống một đời buồn

Năm 1987, khi ở tù về:

Em có bàn tay dịu dàng mấy ngón
Có ngón nào của cô bé ngày xưa
Chỉ một lần vuốt nhẹ trái tim thơ
Mà vết xước đủ một đời máu ứa

Khi ở Hoa Kỳ:

Em phía hoàng hôn, anh bình minh
Hai bìa trái đất gió chênh vênh
Một sao lấp lánh đôi bờ lệ
Từng sớm hôm soi một chữ tình

Chúng ta vừa đọc qua ba đoạn thơ của Hoàng Lộc qua ba chặng đời khác nhau: một Hoàng Lộc trẻ, một Hoàng Lộc ở tù về và một Hoàng Lộc lưu lạc. Ý thì có khác, dĩ nhiên. Nhưng tứ thơ, không khí thơ và trái tim nhà thơ thì dường như vẫn thế: yêu. Chan chứa yêu, đằm thắm yêu, say sưa yêu. Yêu không biết mệt mỏi. Ta có thể nói, anh bày ra "cuộc yêu" trong đời của anh và trong thơ của anh. Ở hoàn cảnh nào, Hoàng Lộc cũng có thể làm thơ tình một cách hồn nhiên, một cách bình thường, y như thể thế giới này không có gì khác hơn ngoài tình yêu trai gái, bởi vì suốt đời anh là một "đời tình":


Ta mãi lơ mơ suốt một đời tình
Mãi lưu lạc những hiên nhà gái đẹp (tr 88)

Tôi không rõ nhà thơ đa tình Hoàng Lộc đã trải qua bao nhiêu hiên nhà gái đẹp, nghĩa là trải qua bao nhiêu lần yêu và thất tình và yêu và thất tình - nhưng rõ ràng là tình anh bao giờ cũng nóng hôi hổi. Yêu một lần nóng đã đành, yêu lần hai lần ba lần bốn cũng cứ nóng. Nóng, và da diết.

Bài thơ đầu trong tập:

Mịt mù cõi thế
Ngơ ngẩn đường chim
Công hầu coi nhẹ
Nhớ màu mắt em (tr. 10)

Bài thơ cuối tập:

Đã yêu ở Hội An
Tình đã ra cửa Đợi (198)

Lúc chừng hăm mấy:

Trải cho em cả tấm lòng
Mất toi đến cái khốn cùng của ta

Lúc chừng năm mươi mấy:

Để biết yêu em từ thuở ấy
Đời ta rồi nỗi khổ vô lường
Biết, ta biết trước mà hay vậy
Không có em càng sợ khổ hơn (129)

Bởi chỉ vì em
Ta dính dáng với đời này (145)

Trong những ngày thua trận:

Đã vắng đầu lâu treo cổ ngựa
Mất em, cũng ý lạnh sa trường
Khi về tình rã theo tay mỏi
Nhìn bóng tàn quân rủ khói sương (tr. 37)

Lúc ở tù về:

Về, ta gặp phố sầu u
Ta yêu em với ta tù tội đây (49)

Như thế, cũng như nhiều nhà thơ khác, tình yêu của anh không hề có tuổi. Có lẽ vì người yêu (hay nhiều người yêu) của HL dường như không có tuổi. "Em" có thể lớn lên, khác đi, nhưng không già. Em bao giờ cũng thế, lãng đãng nhưng mặn mòi. "Em"(cũng như "cá thể hóa" như Hoàng thị Ngọ của Phạm Thiên Thư, Tố của Vũ Hoàng Chương) là một hình tượng vĩnh cửu. "Ta" hay "anh" cũng thế. "Em" hay "ta" hay "anh" được đẩy lên thành một mẫu, một dáng, một nét, một tính cách. "Em" là một cái khác của "ta", của "anh". Bắt chước lối nói của Mai Thảo, ta có thể cho rằng "em" trong thơ HL là một hoài hoài tìm kiếm, một hoài hoài đuổi bắt, một hoài hoài lạc nhau và một hoài hoài tiếc nuối.

Bởi thế mà tình của HL dường như lúc nào cũng là một thứ tình lỡ, tình trễ, tình mất, tình phụ. Anh viết:


Muôn năm, anh là người đến trễ

Chỉ vì:

Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ
Hồng nhan, hồng nhan - ta chiêm bao (28)

Tình anh, rốt cuộc, bao giờ cũng quạnh vắng, hiu hắt:

Em hãy đốt lên giùm anh ngọn lửa
Thử ngọn tình hiu hắt tới bao lâu (108)

Cho nên, cuối cùng:

Yêu vô vàn cũng rớt giọt tình không (19)

Tình yêu đó là "ngọn tình", "giọt tình". Ngọn hay giọt là một cái gì mong manh, chập chờn, thoáng chốc. Tất cả chỉ vì người tình của anh luôn luôn trốn chạy, luôn luôn có đó và không đó, luôn luôn không bao giờ bắt được, luôn luôn thoát khỏi anh:


Mưa ngày xưa bây giờ chưa biết
Buồn đời ta, không đời ai bằng
Ngày xưa, ôi cái ngày xa lắc
Mà em đi chẳng nói chẳng rằng (54)

Đã tới ngày em bỏ quên ta
Che tay kỷ niệm ngó mơ hồ
Nắng gió trong lòng em bất chợt
Em vừa giết một đứa làm thơ (32)

Không những chỉ thế. Thử nghe HL tâm sự trong những giòng
khác:

Những sớm qua cầu, ta gọi bớt hơi sương
Những trưa khô che dùm tóc mỏi
Con đường quen bụi lầy cố xứ
Em về, ta lặng lẽ mưa bay (145)

Áo trắng em qua trời phố nhỏ
Khi lòng ta còn muốn làm mây
Dẫu nhiều năm cùn mòn vó ngựa
Vẫn hí tương tư những tiếng đầy (126)

Vậy thì đã rõ, đâu phải chỉ mình em trốn khỏi tôi, mà ta cũng trốn khỏi em. Nói đúng hơn, anh và người tình của anh luôn luôn trốn khỏi nhau.Trên sân khấu cuộc đời, hình như họ luôn luôn đánh mất nhau. Và có thể vì vậy mà họ yêu nhau, cần phải yêu nhau. Hay nói một cách khác nữa, tình yêu vốn ở chỗ hoài hoài thất bại:


Về, ta sững cuộc đổi đời
Đổi đời ta nhỏ hơn đời đổi em
Còn nhau đâu mà trông tìm
Mất nhau từ thuở chưa chìm nổi kia (50)

***

Tình của Hoàng Lộc còn dính dáng đến rượu. Có lẽ ít tập thơ tình nào có nhiều rượu như tập thơ tình HL. Tôi hơi tò mò: toàn tập thơ có 12 bài có tựa đề mang từ "rượu". Và ít nhất 12 bài khác có "hơi rượu". Tất nhiên, hầu hết là "rượu tình" (hay là tình rượu?). Theo tôi, nhưng bài thơ có hơi rượu nằm trong số những bài hay nhất trong tập thơ của Hoàng Lộc. Tình nhiều. Mà rượu cũng lắm!

Đối với người đông phương, rượu mang nhiều ý nghĩa. Và do đó, nó đã đi vào văn chương từ ngàn xưa:


Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi
Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Và nay:
Chén tiễn chén đưa
Cho rã rời một đêm hẹn ước
Xếp áo tìm vui nơi chiến trường có bạn có thù (Trầm Tử Thiêng)

Rượu, hay chén rượu đã thành tập tục, hơn thế nữa, một nghi lễ, một sinh hoạt khá thiết thân: rượu khi vui, rượu khi buồn, rượu dành lúc tiễn đưa, rượu mừng ngày hội ngộ. Nhiều khi chén rượu được rút gọn thành chén: chén quan hà, chén ly bôi, chén hoàng hoa, chén tiễn chén đưa, đánh chén. Rượu giúp con người hưng phấn, quên buồn và đa tình như HL. Rượu của HL dính với tình, quanh quẩn với tình. Anh uống khi chia xa, lúc gặp gỡ, khi tiếc nuối, lúc buồn phiền, khi thất chí. Anh uống một mình hoặc với bạn hoặc với người yêu. Nhiều lúc anh uống tưởng tượng và say tưởng tượng.Ta chẳng biết anh uống rượu hay uống tình, anh say rượu hay say tình. Tôi tò mò tìm xem cái loại rượu của anh HL là loại gì và cách anh uống như thế nào. Này nhé, trong HL, ta có: rượu hồng nhan, rượu hoàng hoa, rượu tàn đông, rượu tống mùa thu, rượu buồn, rượu đắng, rượu nồng, rượu thất tình, rượu chiều, rượu tàn niên, rượu khốn cùng, rượu điêu tàn - và có lẽ còn nữa, nhưng tôi tìm chưa hết.


Vài đoạn thơ có rượu:

Đời nhỏ tưởng chừng dăm hớp rượu
Ai hay sầu chật một hồn đời
Ta kiếm quẩn quanh trời cố xứ
Hồng nhan, hồng nhan, ta chiêm bao (28)

Mặc những lần xuân tuyệt mù trước ngõ
Mặc những loài chim không hề hót nữa
Rót rượu buồn đi - hồng nhan, hồng nhan
Anh uống giùm cô chỗ rượu điêu tàn(100)

Bữa rượu chiều ta,em ở đâu?
Mang mang lưng chén cái thương sầu (130)

Giá có em cùng chia chút rượu
Dễ khi gió đã lặng bên trời (151)

***

Hoàng Lộc yêu, Hoàng Lộc thất tình, Hoàng Lộc uống rượu. Yêu đủ cách mà uống rượu cũng đủ cách. Đa đoan quá chăng? Nát rượu quá chăng? Không ! Bên dưới những tình, những rượu đóchứa đựng một cái gì khác. Những bài thơ của Hoàng Lộc, rốtlại, y như một tiếng thở dài sâu lắng của cuộc tồn sinh. Tình của anh, như anh có lần bảo, đâu chỉ là tình, mà còn là một "nhịp thở trần ai":

Chia cho nhau từng nhịp thở trần ai.

Những cô em mười sáu tuổi hay những cô em "đổi đời" không có tuổi, những mối tình thấp thoáng hay mặn nồng, những gặp gỡ và dang dở tình cờ hay những chén rượu tình nồng chỉ là hình ảnh hiện thân cho nỗi bất an, khắc khoải trước những đổi thay liên tục , trước định mệnh, trước những phù phiếm, hư huyển của thời gian, của cuộc lữ. Chả thế, mà nhiều lần Hoàng Lộc nhắc đến chữ "biển dâu" trong thơ. Đời biển dâu mà tình cũng biển dâu :

Lúc anh về bé vừa lên mười sáu
Rất dịu dàng nhưng rất lạ đời anh
Khi đưa tay gõ vội trái tim mình
Nghe sai lỡ như một lần dâu bể (19)

Gió bên đời bỏ mặc lá thu bay
Rồi nếu cần em sẽ biển dâu ngay

Tình và rượu chứa đựng cái mất, cái còn:

Dễ những nương dâu bảo dừng biển lại
Mà cái mất cứ xui lòng khổ mãi (101)

Giá có em ngồi, ta kể lại
Mỗi biển xanh từng hóa ruộng dâu (151)

Cũng là dâu biển, nhưng trong một bài thơ khác, anh nói đến cuộc thăng trầm:

Rượu tàn niên chừ gió xa xăm
Gió chi thổi riết mấy mươi năm
Quán cô hồn một ta chớ mấy
Sợ - mà khinh - những cái thăng trầm (150)

Thăng trầm, biển dâu, đó là ám ảnh không nguôi chuyên chở trong những giòng thơ tình ngấm rượu của nhà thơ đất Quảng Hoàng Lộc, một "hào sĩ" như anh tự nhận trong một lần say khước ở Hội An, quê anh:

Nhớ em, nhớ buổi trăng tàn khuyết
Quán cuồng, hào sĩ cũng rưng rưng
Như ta, dễ một lần ta khóc
Em hát liêu trai khúc nguyệt cầm (29)


9/1999


Trần Doãn Nho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Xin chào bạn đã đến với Trang Thơ Tình Hoàng Lộc